Thứ 7, 29/03/2025, 14:25

Đồng Hỷ phát huy giá trị kinh tế rừng

Ngọc Ánh 08:38, 07/03/2025

Huyện Đồng Hỷ có diện tích đất lâm nghiệp lớn, trong đó trên 20.420ha là đất có rừng. Thời gian qua, huyện chú trọng khuyến khích người dân khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế này, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Cơ sở chế biến lâm sản của gia đình anh Đặng Văn Quyết (ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) đang tạo việc làm cho 11 lao động, với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở chế biến lâm sản của gia đình anh Đặng Văn Quyết (ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) đang tạo việc làm cho 11 lao động, với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Xã Văn Hán là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Đồng Hỷ, với 4.313ha (100% diện tích rừng sản xuất). Ngoài chè là cây chủ lực thì rừng trồng cũng đem lại nguồn thu nhập cho 65% số hộ trong xã. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Chúng tôi luôn chú trọng công tác phát triển rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn. Ngoài ra, để nâng cao giá trị kinh tế cho cây keo, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai đến người dân về dự án cấp chứng chỉ rừng sản xuất bền vững (FSC); khuyến khích các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng.

Trong 5 năm qua, Văn Hán trồng mới được 2.100ha rừng (đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết), trong đó trồng rừng gỗ lớn là 503,6ha. Đặc biệt, toàn xã có tổng 850 hộ dân tham gia và được cấp chứng chỉ FSC với diện tích 2.600ha (vượt 2.400ha so với chỉ tiêu nghị quyết). Các hộ dân này đều được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5-7%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha khi tiếp tục tham gia dự án...

 Còn với xã Hợp Tiến (địa phương có diện tích rừng đứng thứ 2 trong huyện với 3.927ha), bà con đã phủ xanh đất rừng bằng những giống keo lai, tre phấn, bạch đàn.

Ông Lê Văn Chính, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tập huấn kiến thức cho người dân về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; khuyến khích mở cơ sở ngành nghề chế biến gỗ. Từ đó bà con đã chủ động đầu tư, đưa các giống cây năng suất cao vào trồng mới, chăm sóc; toàn xã hiện có 35 cơ sở chế biến lâm sản và trên 40 ô tô, máy xúc, máy kéo.

Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Tính riêng năm 2024, diện tích trồng rừng mới của Hợp Tiến là 151ha (vượt 67% kế hoạch), trong đó trồng rừng hợp đồng với công ty ván dăm là 70ha. Kinh tế rừng đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Kết thúc năm 2024, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,51% (giảm 8,52% so với năm 2023).

Đơn cử như gia đình ông Triệu Văn Lý, xóm Đèo Bụt đã thoát nghèo trong năm 2024. Ông Lý chia sẻ: Gần nhà có xưởng bóc ván gỗ nên con trai và con dâu tôi đều có việc làm ổn định với mức lương gần 10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian rảnh, các con vẫn tranh thủ phụ giúp tôi chăm sóc 6ha rừng keo, sau 5 năm được khai thác sẽ thu lãi hàng chục triệu đồng.

Không riêng gia đình ông Lý, hàng trăm gia đình, người lao động ở Đồng Hỷ đã có việc làm từ hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản. Toàn huyện hiện có trên 70 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu là kinh doanh gỗ bóc, ván dăm. Các cơ sở này góp phần bao tiêu, thu mua sản phẩm cho người trồng rừng và góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê, năm 2024, huyện Đồng Hỷ đã trồng gần 820ha rừng tập trung (vượt 36% kế hoạch), trong đó diện tích do doanh nghiệp, tổ chức, hộ dân tự bỏ vốn đầu tư là 726ha. Trong năm, 2.000ha rừng tiếp tục được đưa vào đánh giá mới để cấp chứng chỉ FSC. Việc duy trì hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 48%; khối lượng khai thác lâm sản năm 2024 đạt 55.638m3 gỗ tròn các loại.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, cho biết: Người dân trên địa bàn huyện đã nhận thức rõ được giá trị kinh tế từ rừng và chú trọng đến phát triển, bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của huyện, chính quyền xã, thị trấn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tốt chất lượng cây giống lâm nghiệp. Đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình, chế độ, chính sách lâm nghiệp, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC...