Từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp; còn ở trong nước, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Song, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự năng động của các DN, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng vượt mức so với kế hoạch.
Từ quý II/2022, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. |
Ngay từ những ngày đầu năm, SXCN trên địa bàn chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 và nguy cơ thiếu lao động cục bộ, khiến nhiều DN khó hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia kinh tế nhận định, Thái Nguyên khó hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 9% về giá trị SXCN so với năm 2021.
Minh chứng cho nhận định này là kết quả sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm của các DN hầu hết không đạt theo kế hoạch. Đặc biệt, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN may xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động; giá trị SXCN giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch bệnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, giá trị SXCN toàn tỉnh mới đạt 389,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3% so với kế hoạch năm 2022.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trước những khó khăn, thách thức do biến động của nền kinh tế thế giới cũng như áp lực tăng giá xăng, dầu và các nguyên vật liệu trong nước... Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm; đồng thời, tập trung kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Nhờ những nỗ lực đó, tính đến hết tháng 11/2022, chỉ số SXCN của tỉnh tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự ước năm 2022, giá trị SXCN toàn tỉnh đạt khoảng 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và bằng 101,3% so với kế hoạch năm.
Trong quý IV/2022, Công ty CP Đầu tư Phát triển Yên Bình tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên). |
Với sự nỗ lực của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong năm, dự ước giá trị SXCN của khu vực này đạt tới 860,5 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 93% tổng giá trị SXCN của tỉnh), tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều DN có giá trị SXCN tăng trưởng cao như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam; Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên; Công ty Samju Vina Thái Nguyên; Công ty TNHH Mani Hà Nội; Công ty TNHH Young Jin Hi- tech Việt Nam; Công ty TNHH Shingsung C&T Vina...
Bên cạnh đó, các DN may xuất khẩu như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT và Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco... đã nỗ lực thích ứng để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, các DN cũng triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI (Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV), chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu năm, Công ty đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu, năng lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tính đến cuối tháng 11/2022, Công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu 680,3 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Ước cả năm 2022, tổng doanh thu của đơn vị vượt 15% so với kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt trên 68 tỷ đồng, vượt trên 22% so với kế hoạch...
Tương tự, tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV, chuyên sản xuất và cung ứng điện thương phẩm, DN đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quản trị chi phí, tái cơ cấu, tinh giản bộ máy và tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào... Thành quả là năm 2022, Nhiệt điện Cao Ngạn đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao: Sản lượng điện phát ra đầu cực ước đạt 808 triệu kWh, bằng 105% so kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt ước 1.109,9 tỷ đồng, vượt 20,1% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt trên 140 tỷ đồng...
Bên cạnh những đơn vị hoàn thành kế hoạch đúng hẹn, còn không ít DN khó hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chủ yếu năm nay, đặc biệt là DN ngành Thép, các DN vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, thông tin: Từ quý II/2022, các DN ngành Thép bị ảnh hưởng nặng nề do nguyên liệu đầu vào tăng cao, khan hiếm; thị trường thép cung vượt cầu, trong khi thị trường bất động sản gần như “đóng băng”. Ngoài ra, Công ty còn gặp nhiều khó khăn do dây chuyền thiết bị đã cũ, xuống cấp; lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm do một số mỏ đang hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, cấp đổi giấy phép khai thác... Trong điều kiện đó, DN đã chủ trương lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh ở mức hợp lý, nỗ lực thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong 11 tháng năm 2022, nhiều chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh chủ yếu của Công ty chưa đạt như kỳ vọng; một số chỉ tiêu chỉ đạt từ 69-75% so với kế hoạch năm.
Năm 2022 sắp qua, một năm mới chuẩn bị bắt đầu. Với những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong SXCN cùng kinh nghiệm vượt khó, nỗ lực của cộng đồng DN sẽ là tiền đề, là động lực quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng giá trị SXCN năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin