Năm 2022, lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, lạm phát gây áp lực về tỷ giá, chi phí sản xuất... Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp, giá trị SXCN của Thái Nguyên vẫn duy trì đà tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, năm 2022, Thái Nguyên đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chủ yếu, trong đó phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8%; giá trị SXCN tăng 9% so với năm 2021 (tương đương 920 nghìn tỷ đồng)...
Một số chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng giá trị SXCN được cho là quá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động nhanh, phức tạp; trong nước, áp lực lạm phát, giá xăng dầu tăng cao, giá nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp.
Trước những thách thức đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, thực hiện linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhiều ngành, lĩnh vực...
Nhờ đó, SXCN trên địa bàn đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng. Kết quả trong năm 2022: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 9%; giá trị SXCN (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và bằng 101,3% so với kế hoạch năm.
Chia theo khu vực kinh tế, giá trị SXCN khu vực kinh tế trong nước đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 860,5% tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2022, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên Trần Quang cho biết: Sau khi thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP (ngày 11/10/2021) và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, SXCN của Thái Nguyên đã vượt qua những khó khăn trong nửa đầu năm 2022 và đạt tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm. Cụ thể, quý I/2022, giá trị SXCN của tỉnh mới đạt 17,2% kế hoạch cả năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021; quý II/2022, chỉ đạt 25,1% kế hoạch cả năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ... Thì riêng quý III/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 14,4% so với cùng kỳ, giá trị SXCN đạt tới 30,9% kế hoạch năm, tăng 11,7% so với cùng kỳ... Ước quý IV/2022, giá trị SXCN đạt trên 28% so với cùng kỳ, bảo đảm tăng trưởng SXCN vượt mức so với kế hoạch năm đề ra.
Đặc biệt, cũng theo ông Trần Quang, một trong những yếu tố tạo ra giá trị SXCN tăng trưởng cao của tỉnh là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong năm, Thái Nguyên tiếp tục là điểm sáng, thu hút trên 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Ông Hoàng Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Yên Bình khẳng định: “Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI lớn tại Thái Nguyên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng SXCN, tạo “cú hích” trong phát triển KT-XH, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động”. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Nếu như năm 2021 và quý I/2022, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thiếu lao động nên không bảo đảm tiến độ giao hàng, thì từ quý II/2022, với trạng thái “bình thường mới”, tình hình SXKD đã khởi sắc nhanh chóng. Có thể nói, sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai thực hiện 2 nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 128/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP) đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp TNG phục hồi SXKD và đạt được mức tăng trưởng cao.
Tính đến trung tuần tháng 11, TNG đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2022 (tương đương 6.005 tỷ đồng), về đích trước kế hoạch 45 ngày; lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 300 tỷ đồng.
Năm 2023, Thái Nguyên đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 8,5%; giá trị SXCN tăng 9,5% (trên 1.000 nghìn tỷ đồng)... Đánh giá về triển vọng phát triển SXCN và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng của tỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2022 là tiền đề quan trọng để SXCN của Thái Nguyên tiếp tục phát triển và là trụ cột đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, nhận định: Trong năm 2023, bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính tiền tệ; nền kinh tế trong nước cũng gặp nhiều thách thức do sức ép về lạm phát, tỷ giá, lãi suất, đặc biệt là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao...
Để giải “bài toán” này, Sở Công Thương sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp duy trì sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, Thái Nguyên sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất...
Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị SXCN trong năm 2023, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin