Đầu tư sau năm năm gia nhập WTO: Được và chưa được

07:53, 14/05/2013

Sau năm năm Việt Nam gia nhập WTO, các quy định về đầu tư đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết WTO, để mở cửa thị trường dịch vụ, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài. “Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết hội nhập”. TS Nguyễn Đăng Bình nhận định và thêm: “Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Bình: “chúng ta vẫn thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong một số lĩnh vực; Chưa có biện pháp xử lý đối với các dự án đăng ký thực hiện nhiều mục tiêu, ngành/phân ngành dịch vụ có cam kết mở cửa khác nhau. Nguyên tắc tối huệ quốc chưa nhận thức đầy đủ hoặc áp dụng thiếu nhất quán”.

 

FDI tăng nhanh, nhưng còn ảo

 

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TS Nguyễn Đăng Bình đánh giá: Mặt được là nguồn vốn FDI tăng nhanh nhất sau khi gia nhập WTO. Khu vực FDI đã đóng góp tới 18,6% vào tăng trưởng GDP so với 15,5% của giai đoanh 2002-2006. FDI cũng có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu (XK) và tăng thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần tạo việc làm có chuyên môn, kỹ thuật cao...

 

Tuy nhiên, mặt hạn chế là trong hai năm đầu gia nhập WTO, đã có nhiều dự án “ảo”. Ba năm gần đây, FDI có xu hướng giảm. Đầu tư FDI vào vùng khó khăn thấp. Khu vực FDI cũng đẩy nhập khẩu tăng cao, hoạt động sản xuất vẫn nặng về gia công, kinh doanh thương mại, sử dụng nhiều đất, năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp FDI dùng các thủ thuật như chuyển giá, không thực hiện nghĩa vụ khác, nhằm tối đa hóa lợi nhuận, gây thiệt hại cho ngân sách….

 

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới suy thoái, TS Nguyễn Đăng Bình cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan khiến hoạt động đầu tư FDI chưa thật sự hiệu quả là do Luật pháp của chúng ta còn chưa đồng bộ. Các chính sách ưu đãi thiếu sức hấp dẫn và dàn trải, chưa khuyến khích sản xuất thay vì thương mại. Việc phân cấp đầu tư cũng bộc lộ những bất cập, trong khi công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

 

Đầu tư ngoài Nhà nước tăng trưởng tốt nhưng ¼ vẫn bị lỗ

 

Đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước trong giai đoạn này đóng góp 46,7% trong GDP, so với 46,1% của giai đoạn trước khi gia nhập WTO. Đặc biệt theo số liệu năm 2010, khu vực này đã sử dụng tới 86,1% lao động.

 

Song điểm hạn chế của đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là chỉ sau hai đầu 2008 và 2009 đã có tới 25% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Mà nguyên nhân chính theo TS Nguyễn Đăng Bình: “Khu vực này chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít vốn, trình độ quản lý chưa cao, kỹ thuật và công nghệ còn thấp. Nhưng phải chịu tác động mạnh từ biến động kinh tế thế giới, trong nước, chính sách của Nhà nước, chịu áp lực cạnh tranh của DN FDI và DNNN”.

 

Đầu tư Nhà nước góp phần quan trọng nhưng vẫn chưa thật hiệu quả

 

Đầu tư Nhà nước góp phần quan trọng đối với sự phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như: Hiệu quả đầu tư nhiều dự án thấp; Thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ, dàn trải, vượt khả năng cân đối. Nhiều DNNN có kết quả sản xuất, kinh doanh thấp, lúng túng trong chuyển đổi do đầu tư ngoài ngành, gặp rủi ro tài chính...

 

Về, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, TS Nguyễn Đăng Bình cho biết tin vui: “Nhờ mở cửa thị trường dịch vụ, thu hút FDI một số lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh sau WTO như bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, kho bãi, kinh doanh bất động sản (hai năm đầu), y tế và trợ giúp xã hội, nghệ thuật, vui chơi và giải trí...Hạn chế, tác động không mong muốn: Chưa thu hút mạnh vào một số lĩnh vực mong muốn như công nghệ cao, nông nghiệp, KHCN, GD&ĐT, KCHT”.

 

TS Nguyễn Đăng Bình cũng cảnh báo: “Một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhưng có thể gây ra hệ lụy tiêu cực như bất động sản, khai khoáng, các lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp, trồng rừng,... Một số lĩnh vực khai thác nhiều đất đai, tài nguyên, khoáng sản, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến anh sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

 

TS Nguyễn Đăng Bình thêm: “Hiệu ứng lan tỏa với ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam thấp. Mà nguyên nhân chính là do chính sách chưa đủ mức khuyến khích để thu hút FDI vào ngành mong muốn, quy hoạch, thông tin, dự báo còn có mặt hạn chế. Khâu thực hiện phối hợp, phân cấp, giám sát chưa tốt. Đồng thời, thiếu điều kiện cần thiết như lao động chất lượng cao, kết cấu hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ,... Do tác động kinh tế thế giới, điều chỉnh định hướng, cơ cấu FDI.

 

Đầu tư ra nước ngoài cần kiểm soát tốt hơn

 

Về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN), TS Nguyễn Đăng Bình cho biết, tổng số doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là 474 tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 12,8 tỷ USD vốn đăng ký, gấp 3,8 lần và 16,6 lần so với năm năm trước gia nhập WTO.

 

TS Nguyễn Đăng Bình nói: “Thành tựu chủ yếu của ĐTRNN là một số dự án như khoáng sản; điện; trồng cây công nghiệp; dịch vụ viễn thông; hàng không; ngân hàng… đã và đang chiếm lĩnh đáng kể và phát triển tích cực tại thị trường một số địa bàn đầu tư trọng điểm. Hoạt động ĐTRNN đã và đang giúp cho Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài; các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được lợi thế so sánh của một số nước để sản xuất và kinh doanh, mở rộng thị trường sản xuất, đang từng bước tạo dựng được thương hiệu, khả năng cạnh tranh của mình trên trường quốc tế; nhiều dự án đã có doanh thu cao, bước đầu có lợi nhuận và chuyển tiền về nước”.

 

TS Nguyễn Đăng Bình cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém chủ yếu do lợi nhuận chuyển về nước chưa tăng tương xứng với lượng vốn, tạo áp lực cho việc cân đối ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế; phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn là các dự án của các tập đoàn, công ty nhà nước, trong khi hành lang pháp lý cho các dự án này chưa được quy định đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa minh bạch; theo dõi tình hình thực hiện dự án ở các cơ quan quản lý còn hạn chế, đặc biệt là theo dõi tình hình chuyển vốn ra nước ngoài; việc thực thi các văn bản quy định pháp luật liên quan tới hoạt động ĐTRNN còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, một số điều khoản không còn phù hợp.

 

Đồng tình với TS Nguyễn Đăng Bình, tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện Phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Gia nhập WTO tác động nhất định đến ĐTRNN. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế trong nước đang thiếu nhiều vốn thì dòng vốn đổ ra nước ngoài tăng nhanh. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần phải có sự theo dõi, đánh giá và quản lý tốt hơn luồng vốn đi ra, cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động đầu tư này”.

 

TS Nguyễn Đăng Bình cũng khuyến nghị: Chính phủ cần đổi mới phương thức thực hiện, tái cơ cấu đầu tư; Bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Bảo đảm phát triển bền vững (Yêu cầu cấp bách khi cam kết WTO theo lộ trình); Giảm tỷ trọng đầu tư nước ngoài, tăng vốn đầu tư khác; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI; Phát huy hiệu quả ĐTRNN.

 

Về các giải pháp, chính sách chủ yếu, TS Nguyễn Đăng Bình cũng kiến nghị: Cần hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư; Ban hành văn bản hướng dẫn đầy đủ và thống nhất Sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP Rà soát, sửa đổi Luật Đầu, Luật Doanh nghiệp, Luật đấu thầu và dự thảo các Luật đầu tư công, Mua sắm công, các nghị định đầu tư trung hạn; Sửa đổi lại các quy định về phân cấp; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý PPP; Cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư, kinh doanh...

 

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thông tin, dự báo. Ban hành đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, kế hoạch; Xác định, công bố danh mục khuyến khích, hạn chế đầu tư; danh mục thu hút vốn FDI; Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo kinh tế vĩ mô. Tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện và giám sát đầu tư; Xây dựng cơ chế nhằm tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về ĐT; Nâng cao chất lượng thẩm định dự án, quyết định hoặc chứng nhận đầu tư. Tăng cường xúc tiến ĐT, thúc đẩy giải ngân. Công khai, minh bạch trong ĐT, đấu thầu; đối thoại, tiếp xúc với các nhà ĐT, các doanh nghiệp; Tăng cường kiểm tra, theo dõi, quản lý đầu tư, giám sát của người dân. Phát triển các yếu tố thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đầu tư; Hoàn thiện các chính sách tài chính (thuế, phí...), tín dụng, đất đai, ngoại hối...

 

TS Nguyễn Đăng Bình cũng kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp như phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phát triển nguồn nhân lực; Cải thiện kết cấu hạ tầng; Tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH năm năm 2011-2015, với mục tiêu thực hiện những đột phá về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết HNKTQT trong khuôn khổ WTO, khu vực và song phương. Một số các cam kết HNKTQT mới quan trọng như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi, với phạm vi rộng hơn và mức độ cam kết mở cửa cao hơn.

 

Do vậy, đánh giá tổng thể tình hình KTXH Việt Nam từ khi gia nhập WTO đến nay để đưa ra các đề xuất điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả HNKTQT trong giai đoạn 2011-2015 trở thành một yêu cầu bức thiết.