Hướng tới sản xuất rau công nghệ cao

17:06, 30/10/2017

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các loại rau xanh trên thị trường, những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích gieo trồng, xây dựng các vùng rau chuyên canh, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rau. Từ đó từng bước xây dựng các vùng sản xuất rau công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng phát triển các loại rau, thêm vào đó, thị trường tiêu thụ rộng mở vì ngoài nhu cầu tiêu thụ của người dân, trên địa bàn còn có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng được trên 12.000ha rau các loại, sản lượng đạt khoảng 300 tấn, tập trung ở các địa phương: Xã Đông Cao (T.X Phổ Yên); xã Nhã Lộng (Phú Bình); thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ); các phường Túc Duyên, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên)... Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau xanh rất lớn trên địa bàn, tỉnh ta vẫn đang phải nhập các loại rau từ nơi khác.

Nhằm bảo đảm cung cấp đủ các loại rau cho thị trường trong tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển cây rau. Về mục tiêu của tỉnh là sẽ xây dựng các vùng sản xuất rau công nghệ cao (ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa...) nhằm đạt năng suất, chất lượng cao, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe con người và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất rau ứng dụng khoa học công nghệ mới, trong đó có một điểm sáng là Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Trong một lần đến thăm, chúng tôi được anh Hồng Sỹ Hưng, Giám đốc Trang trại cho biết: Toàn bộ rau sản xuất ở đây, ngoài việc không sử dụng các loại hóa chất độc hại, Trang trại còn áp dụng những tiến bộ, kỹ thuật cao vào sản xuất, như: Hệ thống tưới gồm tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Đây đều là những công nghệ tưới được nhập khẩu từ nước ngoài với ưu điểm là tiết kiệm nước, giảm nhân công. Ngoài ra, Trang trại đã áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà lưới đối với các loại cây như: Cà chua, ớt, dưa chuột, cải... Từ cách thức sản xuất này, sản phẩm rau của Trang trại đã được tin dùng tại một số điểm bán sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Hiện, bình quân cứ 2 ngày một lần, trại cung cấp về thị trường Hà Nội gần 1 tấn rau sạch và bán ra thị trường tỉnh khoảng 2 tạ rau sạch. Trang trại đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất để đáp ứng nhu cầu rau sạch ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên, năm 2016, hơn 10 hộ dân ở xã Tiên Hội (Đại Từ) đã góp vốn thành lập HTX rau an toàn Trung Na. Ông Nguyễn Quang Nạp, Chủ nhiệm HTX cho biết: Để bảo đảm trồng các loại rau sạch, HTX đã đầu tư 3,6 tỷ đồng xây dựng nhà kính, toàn bộ rau ở đây đều được sử dụng phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chúng tôi tập trung trồng các loại rau như: Cải ngọt, cải ngồng, đỗ cô ve, súp lơ, bắp cải, hành... Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn rau, củ, quả các loại, với giá bán trung bình từ 18.000-35.000 đồng/kg theo từng loại...

Tuy nhiên, các mô hình này hiện nay còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhằm nhân rộng các diện tích sản xuất rau an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến tới xây dựng các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, tỉnh có kế hoạch dần hình thành các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô 500ha. Trong đó, T.X Phổ Yên có 75ha, Phú Bình 100ha, T.P Thái Nguyên 80ha, Đồng Hỷ 100ha, Đại Từ 60ha, T.P Sông Công 20ha, Định Hóa 50ha; Phú Lương 15ha. Tại đây, các loại rau đưa vào sản xuất là giống rau mới có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh như: Rau xà lách các loại, su hào, cải bắp, cà chua, cà rốt, đậu đỗ các loại, súp lơ xanh, bí, bầu, dưa các loại, hành, tỏi, nhóm cải... Bên cạnh yêu cầu về giống, người sản xuất phải ứng dụng cơ giới hoá, tự động hoá trong nghiền trộn giá thể, đóng bầu, gieo hạt. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, ẩm độ, nhiệt độ tự động, công nghệ tưới phun mưa, phun sương, nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động theo nhu cầu dinh dưỡng của cây... Ngoài ra, quá trình sản xuất phải sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học, chất điều hoà sinh trưởng, thuốc trừ sâu sinh học. Sử dụng chế phẩm sinh học trong bảo quản rau; công nghệ bảo quản bằng nước Ozon, dung dịch sát khuẩn Anolyte.

Để làm được điều này, tỉnh cũng có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành lập HTX, liên kết nông hộ, HTX với doanh nghiệp. Đối với các huyện, thành, thị, tỉnh yêu cầu tiến hành rà soát lại về địa điểm, quy mô diện tích, xác định ranh giới các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch các Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch hệ thống dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất với các doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất.