Là một trong những địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, những năm qua, huyện Phú Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện trong số các giải pháp mà huyện đang triển khai, không phải tất cả đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người dân. Thực tế này đang rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp để có được nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp của huyện Phú Bình ngày càng bị thu hẹp, để nhường đất cho phát triển công nghiệp. Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng giảm đi đáng kể do người ở độ tuổi lao động vào làm trong các công ty, nhà máy ngày càng tăng. Tuy nhiên, do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên năng suất lúa của huyện Phú Bình không những không giảm, mà còn có chiều hướng tăng.
Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện: Phú Bình có tổng diện tích cây lương thực có hạt khoảng 12.500ha, với sản lượng những năm gần đây luôn đạt ở mức 78-81 nghìn tấn/năm. Trong khi đó, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng lúa của huyện chỉ cần đảm bảo ở mức 60-65 nghìn tấn. Có được kết quả này, trong những năm qua, Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường thay đổi cơ cấu giống, đưa giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao vào sản xuất; tập trung nâng cao trình độ thâm canh lúa cho người dân thông qua các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật và xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, Trạm Khuyến nông huyện đã phối kết hợp với các xã, thị trấn tổ chức được 236 lớp tập huấn khoa học kĩ thuật, thu hút gần 13 nghìn lượt bà con nông dân tham gia. Nội dung tập huấn tập trung vào việc tư vấn các giống lúa thuần, lúa lai, quy trình thâm canh, hiệu quả từ cánh đồng một giống… Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vụ mùa năm 2017, huyện đã thực hiện thâm canh 100% diện tích lúa theo phương pháp canh tác SRI. Cùng với đó, huyện đã đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào canh tác như: BTE1, TH3-5, GS9, Thiên Ưu 8… Số diện tích lúa được thâm canh đều đạt từ 3 nguyên tắc trở lên, trong đó, 40% diện tích lúa tuân thủ 5 nguyên tắc (cấy mạ non, cấy thưa, phòng trừ cỏ dại kịp thời, quản lý nước và thông khí định kì cho đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ).
Bà Nguyễn Thị Thông, xóm Kê, xã Tân Khánh(Phú Bình) cho biết: Từ khi đưa giống lúa BTE1 vào trồng trên 7 sào ruộng của gia đình, năng suất lúa của gia đình tôi được cải thiện rất nhiều. Trước đây, gia đình tôi sử dụng giống lúa C71, Khang dân, mỗi sào chỉ thu hoạch được khoảng 1,7 tạ/sào, sau khi sử dụng giống lúa mới và tuân thủ phương pháp canh tác SRI thì mỗi sào gia đình tôi thu hoạch được khoảng 2,5 tạ/sào, giá bán các giống lúa ngang nhau nên tăng sản lượng lúa cũng giúp gia đình tôi cải thiện một phần thu nhập.
Trước những hiệu quả mà cánh đồng một giống hay còn gọi là cánh đồng mẫu lớn mang lại, Phú Bình đã hình thành được 42 cánh đồng một giống, với quy mô từ 10ha trở lên. Hiện, huyện đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn điểm với tổng diện tích 250ha ở 3 xã Tân Đức, Úc Kỳ, Xuân Phương. Trong năm 2017, huyện sẽ hoàn thành việc giao đất cho nông dân, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 3 xã được chọn làm điểm để đến năm 2018, sẽ bắt đầu bước vào sản xuất. Mục tiêu đề ra với cánh đồng mẫu lớn được xây dựng điểm là hằng năm sản xuất 2 vụ lúa, lựa chọn những giống lúa có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt từ 5,5 tấn/ha. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khiêm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình, trong số 42 cánh đồng nêu trên vẫn còn có những cánh đồng chưa thực sự đồng bộ về giống, mặc dù đã có cơ chế xây dựng loại cánh đồng này. Nguyên nhân do số ít người dân vẫn giữ thói quen canh tác theo phương pháp truyền thống, chọn loại giống mà họ thích ăn, vì lúa được trồng chủ yếu để phục vụ cho gia đình họ. Để giải quyết được thực tế này, theo nhiều người dân, huyện cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa, để cây lúa ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
Còn theo ông Thái Quang Hải, xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xu hướng tất yếu, khách quan của nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tiến tới phát triển bền vững chuỗi sản xuất lúa gạo. Những lợi ích của việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là rất lớn: Người dân được tiếp cận với các giống lúa phù hợp nhất với điều kiện sản xuất của địa phương; chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh; giảm đáng kể ngày công lao động; dễ dàng đưa máy móc vào phục vụ sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch trong khi mà sản lượng và chất lượng thì lại tăng lên…
Mặc dù trên thực tế, công tác dồn điền đổi thửa của huyện đang gặp phải không ít khó khăn, bởi công việc này liên quan đến lợi ích của nhiều hộ dân nên rất dễ phát sinh xung đột, mâu thuẫn. Thêm vào đó, vị trí và chất lượng đất, điều kiện nguồn nước cũng không đồng đều dẫn đến sự chênh lệch về hiệu quả sản xuất. Trong khi đó, khi chưa thấy được lợi ích sẽ khiến một bộ phận người dân không mấy mặn mà. Từ đó, người dân dễ nảy sinh tâm lý hơn thua, khiến họ không dễ gì đồng thuận trong quá trình dồn đổi, phân chia lại ruộng. Tuy nhiên, với lợi ích lâu dài, huyện Phú Bình vẫn đang nỗ lực tăng cường các biện pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền, động viên người dân, nhất là ở 3 xã làm điểm; đề xuất thêm cơ chế, chính sách có lợi hơn cho người dân để đẩy nhanh công tác dồn điển đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Có thể, người dân vẫn sẽ phải cần thêm thời gian để có được sự đồng thuận. Do đó, điều quan trọng lúc này là sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, giải thích để người dân thấy được hiệu quả lâu dài, thiết thực từ những chủ trương lớn này mang lại. Có như vậy, bên cạnh việc đảm bảo được an ninh lương thực, huyện Phú Bình còn tạo ra được nền sản xuất nông nghiệp lúa gạo bền vững, với sự gắn kết 4 của nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.