Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao thả cá, đến nay, mô hình chăn nuôi thủy sản của gia đình anh Ma Văn Thơ, xóm Đồng Rọ, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm. Anh trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.
Đến xã miền núi Phúc Chu, hỏi thăm mô hình chăn nuôi thủy sản của gia đình anh Ma Văn Thơ, người dân ở đây ai cũng biết. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, anh Thơ chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi có hơn 1 mẫu ruộng trồng lúa. Mặc dù quanh năm vất vả, lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Đến năm 2006, địa phương có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp hoặc nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi đã quyết định vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng và vay mượn thêm người thân được 50 triệu đồng, thuê máy móc san ủi 3 cái ao với tổng diện tích hơn 3.000 mét vuông để nuôi cá.
Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng gia đình anh quá “mạo hiểm” khi bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi thủy sản - lĩnh vực mà từ trước đến nay ở địa phương chưa có ai từng làm. Quả nhiên, những năm đầu, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, truyền hình và đi thăm quan thực tế ở nhiều nơi để tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi cá giống, cá thịt. Sau 2 năm, mô hình chăn nuôi thủy sản của gia đình anh đã từng bước đi vào ổn định và cho thu nhập khá. Năm 2008, anh quyết định chuyển đổi toàn bộ hơn 4.000m2 đất nông nghiệp còn lại của gia đình sang đào ao nuôi cá. Với trên 7.000 m2 mặt nước, anh đã quy hoạch thành 2 khu vực riêng biệt gồm: khu nuôi cá giống (2.000m2) và khu nuôi cá thịt (trên 5.000 mét vuông). Để có nguồn cá giống chất lượng, anh đã lặn lội về tận Trại cá giống Cù Vân (Đại Từ) để mua giống: trắm đen, trắm cỏ, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính... về nuôi. Thức ăn cho cá được anh tận dụng chủ yếu từ các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: cám gạo, ngô, sắn, cỏ, bèo, rau xanh... Điều này đã giúp gia đình anh tiết kiệm được từ 30- 40% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp mà cá vẫn nhanh lớn và ít bị bệnh.
Từ khi mở rộng quy mô chăn nuôi đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Thơ xuất bán ra thị trường khoảng 5,5 tấn cá các loại, doanh thu đạt trên 270 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Riêng năm 2017, gia đình anh xuất bán hơn 7 tấn cá các loại với giá bình quân 50.000 đồng/kg, thu lãi 250 triệu đồng.
Anh Thơ chia sẻ: Nuôi cá không khó nhưng cần phải đặc biệt lưu tâm đến môi trường nước và thời tiết. Bởi thời tiết thay đổi cá dễ nhiễm bệnh, các bệnh cá thường mắc phải: trùng bánh xe, sán lá, hội chứng lở loét thân... Nếu môi trường nước không bảo bảo cá cũng rất dễ nhiễm bệnh. Hằng năm, sau khi thu hoạch cá, cần phải tát cạn ao, vét bớt bùn, rắc vôi hoặc bón lót cho ao phân chuồng hoai mục và phân xanh rồi mới cho nước vào. Để giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hằng ngày. Khi nước ao có biểu hiện bị ô nhiễm cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm sinh học...
Sau hơn 10 năm kiên trì thực hiện mô hình chăn nuôi thủy sản, gia đình anh Thơ từ chỗ còn khó khăn về kinh tế nay đã trở thành hộ kinh tế khá giả trong vùng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Thơ còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm về chăn nuôi thủy sản và phát triển kinh tế. Cuối năm 2017 vừa qua, anh Thơ cùng với 15 hộ gia đình khác trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Phúc Chu để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất.