Giải pháp khuyến khích người dân trồng rừng trong đó ưu tiên 2 loại cây mũi nhọn là keo lai và tre phấn đã giúp xã đặc biệt khó khăn Hợp Tiến (Đồng Hỷ) phát huy được thế mạnh trong kinh tế đồi rừng. Từ đó, nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo bền vững, đời sống ngày một nâng lên...
Hợp Tiến là 1 trong 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, có diện tích 5,4 nghìn ha, trong đó 3/4 là đất đồi rừng. Toàn xã có trên 1,5 nghìn hộ với gần 6,5 nghìn nhân khẩu, gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, giai đoạn 2006-2011, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60% tổng số hộ. Với đặc thù có đất đai rộng, chủ yếu là đồi rừng, hai nhiệm kỳ gần đây và nhất là nhiệm kỳ 2015-2020, đảng bộ xã tiếp tục xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi mũi nhọn, là giải pháp trọng tâm nhằm phát huy thế mạnh của địa phương.
Được biết, ở Hợp Tiến, cây keo và cây tre phấn là cây trồng phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Đây là hai loại cây dễ trồng, chỉ cần chú trọng chăm bón 2 năm đầu, sau đó chỉ cần tỉa cành, phát cỏ là cây phát triển tốt. Cây keo có chu kỳ sinh trưởng từ khi trồng đến khi khai thác khoảng 6 năm. Sau 6 năm cây được bán, trừ chi phí, người dân còn thu về số tiền lãi khoảng 60 triệu đồng/ha, tức là 10 triệu đồng/ha/năm. Nếu diện tích nào được chăm sóc tốt, chỉ khoảng 5 năm là có thể khai thác thì số tiền lãi còn được cao hơn. Bên cạnh cây keo, cây tre phấn cũng là cây mang lại lợi ích kinh tế cho người dân bởi giống cây này rất phù hợp với chất đất đồi rừng ở xã nên phát triển tốt, cây có gióng dài, dẻo dai. Với ưu điểm như vậy, cây tre phấn ở Hợp Tiến được nhiều nhà máy, cơ sở tìm mua làm nguyên liệu sản xuất tăm tre, chân hương, đũa, đan đồ thủ công mỹ nghệ… Cây tre phấn cùng họ với tre, mai, vầu rất dễ trồng, không cần chăm bón cầu kỳ. Chỉ cần phát quang đồi bãi, xới đất, đào hốc rồi giâm mầm cây, khi mưa xuống là cây sẽ nẩy mầm và phát triển. Sau 5 năm thì mỗi gốc bắt đầu cho thu hoạch cây phấn trung bình mỗi năm từ 1 đến 2 lần. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đào Ngọc Khánh, Phó Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Để khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây keo lai và tre phấn, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết phát triển hai cây trồng này trên vùng đất đồi ở Hợp Tiến. Xã đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch từng năm và đề ra chỉ tiêu cụ thể: Mỗi năm trồng mới từ 3-4ha tre phấn, trồng mới 15-20ha keo lai. Đồng thời, khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã gương mẫu đi đầu trồng mới cây trồng này, sau đó, dựa vào hiệu quả thu được, từng bước vận động người dân cùng chuyển đổi những diện tích đất đồi trồng cây ăn quả, lâm nghiệp không có giá trị kinh tế cao… Những cách làm trên đã được bà con hưởng ứng tích cực. Tính đến cuối năm 2017, toàn xã có 1,5 nghìn ha keo lai, tăng gấp đôi diện tích so với năm 2006 và 500ha tre phấn tăng gấp 200 lần diện tích so với năm 2006. Trồng rừng đã góp phần giúp người dân trong xã giảm trung bình 5% hộ nghèo/năm, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 30%.
Hiện nay, phần lớn diện tích đất đồi của xã đều được người dân phủ xanh bằng cây keo lai, tre phấn. Từ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu nhất trong số những người dân trồng rừng cho thu nhập cao ở Hợp Tiến là gia đình anh Triệu Tiến Hồng, xóm Mỏ Sắt. Sau nhiều năm kiên trì với trồng rừng, gia đình anh đã mở rộng diện tích được 14 ha rừng trồng, trong đó 10ha keo lai và 4 ha tre phấn. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu về được gần 200 triệu đồng. Tại đồi keo dù mới được một năm tuổi nhưng đã cao quá đầu người của gia đình, anh Hồng vui vẻ chia sẻ: Có bao nhiêu vốn liếng tôi đều đầu tư hết cho trồng rừng vì tôi biết chắc chắn trồng rừng rủi ro thấp. Để cây keo phát triển tốt, gia đình tôi tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc được hướng dẫn. Đối với cây keo, 2 năm đầu, mỗi năm bón 2 lần kết hợp đạm và NPK và chú trọng làm cỏ, tỉa cành. Nói chung, chỉ tốn công chăm sóc trong 2 năm đầu, những năm về sau khi rừng cây đã khép tán thì gần như không cần chăm sóc gì thêm.
Cùng với đẩy mạnh trồng rừng, xã HợpTiến cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn phát triển các ngành nghề chế biến lâm sản. Toàn xã hiện có 12 cơ sở sản xuất ván bóc, đồ mộc gia dụng và sản xuất tăm tre, chân hương. Các cơ sở này tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Ngô Văn Giang, xóm Suối Khách là một trong những hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất tăm, đũa chất lượng cao, chân hương để bán ra thị trường trong nước. Sau nhiều năm trồng tre phấn bán cho các bạn hàng ở Bắc Giang, Bắc Ninh thu mua làm tăm tre, anh đã mày mò tìm hiểu cách làm. Đến năm 2011, gia đình anh mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư hết vốn liếng gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua dây chuyền máy gồm máy cưa, đục, vót, sấy, tách để sản xuất tăm, đũa chất lượng cao, chân hương... Hiện tại, gia đình anh đã trả được hết nợ ngân hàng, mua được 3 chiếc ô tô để phục vụ vận chuyển sản phẩm và giải quyết việc làm ổn định cho 20 nữ lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đào Ngọc Khánh cho biết thêm, thời gian tới, bên cạnh trồng cây keo và tre phấn, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà con tham gia mở các xưởng sản xuất, sơ chế các sản phẩm từ hai loại cây này để nâng cao thu nhập từ rừng. Đây là một hướng đi đúng để bà con trong xã xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.