Chúng ta đều biết phong trào trồng cây gây rừng được phát động thường niên vào đầu năm mới, khi mùa xuân về và duy trì theo các vụ trồng rừng chính trong năm. Những năm gần đây, trồng rừng không còn là phong trào đơn thuần mà trở thành nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, chính quyền và người dân nơi có đất rừng. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan tâm trồng rừng chúng ta cần phải coi trọng công tác bảo vệ rừng để đảm bảo phát triển rừng bền vững.
Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm tỉnh ta trồng mới từ 3.000 đến 5.000ha rừng tập trung, đồng thời khoán bảo vệ trên 20.000ha rừng. Đến thời điểm này, diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt khoảng 110.000ha. Để đảm bảo đủ diện tích trồng rừng theo kế hoạch, tỉnh đã tăng cường xây dựng các vườn ươm cây giống đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện toàn tỉnh đang có gần 140 vườn ươm, có khả năng cung cấp khoảng 28 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Rừng trồng của tỉnh chủ yếu là các loại cây như: keo, quế, xoan, lát, lim… Xét về quy mô, diện tích rừng trồng mới của tỉnh không hề nhỏ và đang tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng của chúng ta vẫn còn một số điều đáng bàn. Trước tiên, về cây giống, bên cạnh những vườn ươm đảm bảo chất lượng do có sự chỉ đạo, điều tiết trực tiếp của cơ quan chuyên môn, hiện vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp “ngoài luồng”, cung cấp cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do đó, đã có thời điểm tỷ lệ cây rừng trồng bị chết chiếm tới 15%. Bên cạnh đó, việc chăm sóc cây rừng ở một số địa phương còn chưa được chú trọng, cây sinh trưởng, phát triển không đồng đều. Có nơi trồng xong coi như đã hoàn tất mọi việc, không lo chăm sóc, cắt tỉa nên cây chậm lớn, còi cọc, đến tuổi khai thác nhưng thân nhỏ, cho gỗ ít.
Trước thực tế đó, đòi hỏi ngành chuyên môn, các địa phương và người trồng rừng nâng cao hơn nữa trách nhiệm để đảm bảo công tác trồng rừng đạt hiệu quả. Lực lượng kiểm lâm, cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp ở địa phương cần sát sao trợ giúp các hộ dân trong xử lý thực bì, cuốc lấp hố, lựa chọn giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng các loại cây nhiều mục đích để nâng cao hiệu quả kinh tế...
Trồng rừng đã quan trọng nhưng giữ rừng còn quan trọng hơn. Bởi, để có được những cánh rừng lớn, khép tán không phải một vài năm mà hàng chục năm. Đấy là chưa kể những khu rừng tự nhiên, gỗ quý hiếm có tuổi đời lên tới cả trăm năm. Thời gian qua, không phải không có những vụ phá rừng nguyên sinh, khai thác rừng trồng trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh. Chúng ta còn nhớ vụ khai thác trắng rừng tại Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai); rồi vụ lén lút chặt hạ rừng phòng hộ đầu nguồn tại Khu du lịch hồ Núi Cốc và gần đây là vụ phá rừng phòng hộ ở xã Yên Lạc (Phú Lương)… làm thiệt hại hàng trăm héc ta rừng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, làm phương hại đến nguồn sinh thủy và hệ sinh thái vùng đầu nguồn.
Cùng với đó, thời gian qua chúng ta cũng chứng kiến không ít trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ quý hiếm trên địa bàn huyện Võ Nhai, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và là địa bàn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên nhất tỉnh. Đã có lần lực lượng kiểm lâm sở tại phát hiện và thu giữ hàng chục mét khối gỗ nghiến của các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép ra khỏi địa phương; phát hiện các đối tượng mang cưa máy lên đốn hạ cây rừng, xẻ tại chỗ và vận chuyển ra bên ngoài giao cho đầu nậu đưa đi tiêu thụ. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, năm 2017 lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 360 vụ vi phạm Lâm luật, tịch thu gần 600m3 gỗ tròn các loại...
Mặc dù hiện nay, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được quan tâm, siết chặt quản lý, song vẫn không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Đâu đó vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng lơ là quản lý làm mất rừng; vẫn còn những trường hợp vì lợi ích cá nhân mà quên nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm đến trồng rừng mà còn phải có biện pháp hiệu quả để bảo vệ rừng. Mong rằng, với ý nghĩa quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên cao hơn nữa.