Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề cơ khí, khi trở về quê, ông Hứa Đình Đường ở xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông (Định Hóa) đã không ngừng sáng tạo, cải tiến hàng chục loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở địa phương.
Ông Đường vốn là thợ cơ khí của Công ty Lương thực Bắc Thái. Đến năm 2003, ông nghỉ chế độ về làm nông nghiệp cùng gia đình tại xóm Nà Mỵ. Sau một thời gian đảm nhận công việc đồng áng, ông nhận thấy, đa phần máy móc bà con sử dụng đều chưa phù hợp với đồng đất ở khu vực miền núi. Ông Đường bảo: Máy móc đa phần người ta làm cho ruộng đồng bằng thôi. Mình ở miền núi, ruộng đất nhấp nhô nên máy hay hỏng lắm, hiệu suất cũng thấp nên nhiều phần việc vẫn cần đến sức người. Vì vậy, bản thân tôi muốn sáng tạo, cải tiến máy móc để tự giải phóng sức lao động cho chính mình.
Với suy nghĩ đó, lại sẵn nghề cơ khí trong tay, ông Đường đã tự tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao hiệu quả sử dụng của máy móc nông nghiệp, phù hợp với đặc điểm lao động sản xuất của bà con địa phương. Ban đầu, ông đặt các cơ sở chế tạo làm theo ý tưởng, nhưng vì số lượng ít nên không ai nhận. Vì vậy, ông đã tự mở xưởng cơ khí và sản xuất máy móc cải tiến. Ví như cải tiến bánh máy cày mới nhất. Ông Đường cho biết: Đối với mày cày thông thường, do không cày được sát bờ nên bà con lại mất thêm vài buổi cày hoặc cuốc thủ công. Thêm nữa, vì ruộng không bằng phẳng nên máy cày thường hay bị thụt và dừng hoạt động. Từ thực tế đó, ông Đường đã xử lý lồng của bánh máy cày chỉ bằng ½ khung ban đầu và thiết kế thêm hệ thống ống kẽm gắn vào. Các bánh này được bịt kín hai đầu có tác dụng như một chiếc phao giúp máy cày không còn bị thụt. Thêm nữa với tiết diện lồng của bánh máy cày chỉ bằng ½ ban đầu giúp cho máy có thể cày sát bờ ruộng.
Anh Lưu Sùng Máy, ở xóm Nà Chú, xã Linh Thông chia sẻ: Trước đây, mỗi buổi làm máy cày nhà tôi thường bị thụt vài lần. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải huy động 5-7 người khỏe mạnh để khiêng máy lên bờ sửa rồi mới có thể tiếp tục làm việc. Nhờ cải tiến của ông Đường, việc công việc cày bừa trở nên đơn giản hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức lao động.
Không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, trong cuộc sống hàng ngày, cứ đâu thấy khó là ông Đường lại miệt mài nghiên cứu cấu tạo, phương pháp vận hành để tìm ra cách cải tiến, phương án khắc phục để máy móc hoạt động tốt hơn. Sản phẩm của ông Đường đã có mặt ở nhiều xã trên địa bàn huyện Định Hóa và một số tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Cao Bằng… Có thể kể đến một số cải tiến tiêu biểu như: cải tiến rãnh xoắn quả lô và chỉnh sửa sàng lọc hạt để tách riêng cùi từ máy tách ngô cũ giúp tiết kiệm nhân công và thời gian lao động; cải tiến máy tuốt lúa để khắc phục những nhược điểm rơm lẫn vào thóc, rơm cuốn vào trục máy tuốt làm kẹt máy, giảm bụi trong quá trình tuốt lúa; cải tiến bánh răng hộp số máy cày giúp động cơ máy hoạt động được bền hơn; chế tạo máy xay hạt, xay thịt từ động cơ xe máy… Có những cải tiến ông Đường phải mất đến cả năm trời mới hoàn thành. Ví dụ như máy tời kéo gỗ mới hoàn thành hồi cuối năm 2017, ông chia sẻ: Máy tời bình thường không thể vận chuyển được những khối gỗ dài và nặng. Đặc biệt lại là quãng đường phức tạp như đường rừng. Vì vậy, nếu không có tiền thuê máy cẩu, đa số các hộ gia đình vẫn sử dụng sức người để vận chuyển gỗ từ trên rừng xuống, việc này vừa nặng nhọc lại nguy hiểm. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến phương án dùng máy tời để kéo gỗ từ trên rừng xuống.
Nghĩ là vậy nhưng vài lần đầu thử nghiệm dùng máy tời thông thường, ông Đường đều thất bại. Máy không nâng được những khối gỗ dài và nặng, dây cáp bị đứt liên tục. Để giải quyết vấn đề động cơ máy, ban đầu, ông Đường lắp ghép nhiều động cơ của máy tời kéo thông thường để tăng sức nâng của máy. Thế nhưng cách làm này vẫn chưa hiệu quả. Ông lại lặn lội xuống TP. Thái Nguyên tìm mua loại động cơ máy tời chuyên dùng trong công nghiệp nhưng giá thành quá cao, lên đến cả chục triệu đồng. Ông bảo: Dù phương án dùng động cơ của máy tời công nghiệp là rất khả thi nhưng không phù hợp. Với giá thành đắt như vậy, bà con ở miền núi không có điều kiện để mua hay sử dụng. Thêm nữa, mỗi lần máy hỏng bà con không thể sửa chữa mà phải nhờ đến thợ máy chuyên nghiệp ở thành phố đến giúp.
Để tìm ra loại đông cơ phù hợp với máy tời kéo gỗ, ông Đường đã đã đi đến nhiều công trường xây dựng, các công ty có khối lượng tháo dỡ hàng hóa lớn để tìm hiểu về loại động cơ được sử dụng. Sau vài tháng tìm hiểu, ông nhận thấy vấn đề nằm ở các tầng bánh răng. Khi trở về nhà, ông Đường bắt tay vào cải tiến máy tời cũ. Ông sử dụng các động cơ xe máy với thiết kế nhiều tầng bánh răng để bổ trợ lực, giảm tải cho động cơ chính và hệ thống dây cáp. Sau hàng chục lần thử nghiệm, chiếc máy tời kéo gỗ đã ra đời. Mới sử dụng chiếc máy tời kéo gỗ của ông Đường không lâu, anh Triệu Văn Sinh ở xóm Đồng Hẩu, xã Quy Kỳ (Định Hóa) hào hứng: Máy sử dụng tiện lắm, kéo được những khối gỗ nặng cả tấn từ trên rừng xuống. Từ ngày có máy tời gỗ, tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian và hàng chục công lao động so với cách vận chuyển gỗ như trước đây.
Anh Ma Thế Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Thông (Định Hóa) cho biết: Những cải tiến của ông Đường đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao năng suất lao động của bà con, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương. Không chỉ tích cực sáng tạo, cải tiến, ông Đường còn rất năng nổ trong việc giúp đỡ các hộ nghèo cải tiến, sửa chữa máy móc miễn phí. Ông là một tấm gương tốt về sáng tạo trong bà con nông dân.