Hiện nay, toàn tỉnh có gần 187 nghìn ha rừng, trong đó có gần 77 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 110 nghìn ha rừng trồng. Riêng năm 2017, toàn tỉnh trồng mới được xấp xỉ 7.400ha rừng tập trung, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 53%. Kết quả này đã vượt mục tiêu mà tỉnh ta đề ra là giai đoạn 2018-2020, tiếp tục ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 50%.
Đạt được kết quả này là do hơn 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trồng rừng như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất... Các dự án trồng rừng này đã và đang phát huy tác dụng to lớn, không chỉ góp phần đưa diện tích trồng rừng trong tỉnh liên tăng theo các năm mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đồng thời, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, miền núi, những vùng sâu, vùng xa; tạo động lực cho việc thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo. Ông Phạm Văn Xuân, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) nói: Nhờ trồng rừng, đời sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn. Năm ngoái, tôi thu hoạch gàn 3 ha keo lai, thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng...
Cũng từ việc thực hiện các dự án trồng rừng trên địa bàn, đã góp phần thực hiện tốt chính sách giao đất giao rừng; làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên. Qua thực hiện các dự án trồng rừng ở tỉnh trong những năm qua cho thấy, mọi cá nhân khi tham gia đều có những suy nghĩ và cách làm riêng của mình, tạo ra được hiệu quả kinh tế cao nhất, ít tốn kém kinh phí, sức lao động. Thông qua các dự án, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp với việc tìm ra những cách làm giàu trên diện tích đất được giao, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng việc duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng ở mức trên 50% trong những năm tới của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Theo anh Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Võ Nhai (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì một trong những khó khăn của công tác duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng đó chính là các hình thái cực đoan của thời tiết. 5 năm trở lại đây, diễn biến thời tiết bất thường, có những năm nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng khá cao. Mỗi ha rừng sản xuất, phải cần 3 đến 5 năm mới có thể lên xanh tốt và tỏa tán. Do đó, khi không may xảy ra cháy, việc khôi phục lại những diện tích rừng bị cháy phải cần có thời gian và chi phí tái đầu tư khá tốn kém...
Ngoài ra, việc duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng vẫn có những trở ngại khi nhận thức của một bộ phận người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa cao; vẫn có trường hợp nhận giao khoán rừng nhưng chưa làm hết trách nhiệm... Vì lẽ đó, để duy trì lỷ lệ che phủ của rừng như hiện nay, việc tập trung chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của rừng trồng; tăng cường công tác quản lý giống cây lâm nghiệp; nâng cao năng lực, tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy rừng là nhiệm vụ vụ số một của ngành Nông nghiệp. Các phần việc cụ thể của Ngành là chủ động chuẩn bị các điều kiện triển khai trồng rừng hằng năm. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chặt phá rừng trái pháp luật; thực hiện chính sách tri trả dịch vụ môi trường rừng; chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; đề án trồng rừng thay thế trên địa bàn...
Cùng với đó, trong những năm tới, ngành sẽ hoàn thành Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở để công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được bền vững theo hướng rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng xung quanh và liền kề với các điểm di tích lịch sử không có khả năng tôn tạo, phục hồi, công nhận sang phát triển rừng sản xuất tại huyện Định Hóa; rà soát, điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý bàn giao về tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, Ngành nên tham mưu với UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ giống cây lâm nghiệp để khuyến khích người dân tích cực trồng rừng sản xuất; đưa giống cây trồng mới, có giá trị hiệu quả, kinh tế cao vào sản xuất đại trà để từng bước nâng cao thu nhập và gắn kết người dân với rừng hơn; phối hợp với các địa phương giải quyết tình trạng chồng chéo đất lâm nghiệp và tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp...