“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là các yếu tố quan trọng để có một mùa vụ thắng lợi. Xác định được điều đó, huyện Đồng Hỷ đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chuẩn bị tốt các điều kiện về nước, phân bón, giống để gieo cấy lúa xuân đúng khung thời vụ, phấn đấu gieo trồng được 2.200ha, năng suất phấn đấu đạt gần 54 tạ/ha.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Vụ xuân năm nay, huyện Đồng Hỷ chủ yếu gieo cấy trà muộn, chiếm 98% tổng diện tích, 2% là lúa mùa trung. Thời điểm gieo mạ khoảng từ 28-1 đến 5-2; cấy từ 10-2 đến 25-2 (tức là ngay sau Tết Nguyên đán). Để chủ động, huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con chuẩn bị đất, đăng ký mua giống, đảm bảo nguồn nước để phục vụ cho việc gieo cấy.
Về nguồn nước, dự báo thời tiết năm nay có nhiều thay đổi, nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp sẽ cao. Do đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tích trữ, xả nước hợp lý vừa đảm bảo trữ lượng nước phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, vừa an toàn cho công trình thủy lợi. Theo đánh giá, lượng nước tại các hồ, đập hiện nay còn trên 80% dung tích thiết kế, đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân. Ông Nguyễn Mạnh Nghịnh, Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi Đồng Hỷ cho biết: Đơn vị chúng tôi quản lý 12 công trình thủy lợi (trong đó, gồm 2 trạm bơm, 7 hồ, 3 đập dâng), đáp ứng tưới cho khoảng 3.600ha lúa, màu trên địa bàn huyện. Đây cơ bản là những công trình được tích nước liên năm nên trữ lượng nước hiện nay đạt khoảng trên 80% dung tích, một số hồ đạt 100% dung tích như: Hồ Cặp Kè, Hồ Đồng Cẩu, Hồ Chuối..., do đó, vụ xuân năm nay bà con trên địa bàn huyện sẽ không lo thiếu nước sản xuất.
Về cơ cấu giống, năm nay, huyện tiếp tục vận động bà con đưa các giống lúa mới có năng suất ổn định, chất lượng tốt vào sản xuất, chuyển đổi dần giống lúa Khang dân 18 bằng các giống, như: HT1, HT6, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Kim Cương 111... Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của huyện (gồm: Chi nhánh Cung ứng vật tư Nông nghiệp huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện) đang tiến hành cung ứng giống cho người dân trên địa bàn các xã, gồm: Nam Hòa, Cây Thị, Hợp Tiến và thị trấn Trại Cau,... với trên 20 tấn, chủ yếu với các giống như Thiên Ưu 8, TBR225, J02... Được biết, năm nay, nông dân vẫn được tỉnh hỗ trợ giá giống với lúa lai là 30 nghìn đồng/sào.
Theo ông Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Chi nhánh vật tư nông nghiệp huyện Đồng Hỷ, ngoài cung ứng giống, chúng tôi còn cung ứng phân bón cho người dân. Với hơn 100 đại lý, cửa hàng trên địa bàn, đến nay, để phục vụ người dân gieo cấy lúa xuân, đơn vị đã cấp được 920 tấn phân bón, trong đó, chủ yếu là phân NPK để người dân dùng bón lót khi gieo cấy, còn lại là đạm và kali. Dự kiến, từ nay ra Giêng, đơn vị sẽ tiếp tục cấp khoảng hơn 3.000 tấn phân bón cho người dân gieo cấy.
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp giáp với dòng Sông Cầu nên năm nào xã Nam Hòa cũng chỉ đạo người dân gieo cấy lúa sớm hơn so với các địa phương khác trên địa bàn huyện, tránh thời điểm lúa trỗ, nước sông dâng gây ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Hiện nay, tại cánh đồng các xóm: Na Tranh, Gốc Thị... hệ thống kênh mương đã được nạo vét, bờ ruộng đã được bà con phát dọn sạch sẽ, đất ruộng đã được cày ải, ủ phân. Ông Miêu Văn Long, Trưởng xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa cho biết: Để đảm bảo khung thời vụ, các phòng, ban của huyện đã có công văn gửi về địa phương. Thông qua các buổi giao ban của xã, các xóm đã nắm lịch như cấp nước, cấp phân bón, giống... để phổ biến cho bà con. Trên cơ sở đó, người dân sẽ triển khai việc gieo mạ và cấy theo khung thời vụ. Bà Lý Thị Tư, ở xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa cho biết: Vụ này, gia đình tôi cấy hơn 2 sào, với giống Thiên Ưu 8. Đây là giống lúa lai cho năng suất cao, mỗi sào có thể đạt từ 2,8-3 tạ/sào. Hiện nay, ruộng cấy của gia đình tôi đã cày ải, đang ủ phân, chỉ chờ có nước là bừa để cấy. Dự kiến, khoảng mùng 6 Tết gia đình sẽ xuống đồng gieo cấy lúa xuân.
Để đảm bảo năng suất lúa vụ xuân, huyện Đồng Hỷ cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tu sửa, nạo vét, xây mới kênh mương nội đồng; sửa chữa và có phương án trữ nước, sử dụng nước khoa học, tiết kiệm đảm bảo đủ phục vụ sản xuất; tăng cường tập huấn các kỹ thuật gieo cấy, phòng trừ sâu, bệnh hại trên lúa cho nông dân, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đảm bảo cung ứng đủ giống, phân bón cho người dân. Khuyến cáo bà con gieo cấy đúng khung thời vụ, không xuống đồng nếu thời tiết rét đậm, rét hại; chủ động che chắn diện tích mạ đảm bảo kỹ thuật...