Mặc dù mùa Đông năm nay đến muộn hơn so với những năm trước, nhưng theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Chính vì vậy, để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân huyện Định Hóa đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của người dân xã Quy Kỳ (Định Hóa). Toàn xã hiện có gần 400 con trâu, bò và trên 5.000 con dê. Trước đây, người dân có thói quen chăn thả gia súc tự do trên rừng nên vào mùa Đông nên thường xảy ra tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng trâu, bò bị chết vì đói, rét không còn do bà con đã dần từ bỏ tập quán chăn thả gia súc tự do; đồng thời, chủ động hơn trong phòng chống rét, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch xã Quy Kỳ cho biết: Đối với hầu hết các hộ nông dân trên địa bàn xã, gia súc không chỉ là nguồn sức cày, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình. Nếu gia súc bị dịch bệnh hoặc chết rét, không ít gia đình sẽ lâm vào cảnh trắng tay, đối diện với nguy cơ tái nghèo. Chính vì vậy, hiện nay, người dân rất quan tâm đến việc phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc. Vào mùa Đông, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chủ động sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho gia súc và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc khi xảy ra rét đậm, rét hại…
Gia đình ông Trần Văn Tiền, thôn Gốc Hồng, xã Quy Kỳ hiện đang nuôi 7 con trâu. Rút kinh nghiệm từ những mùa Đông năm trước, năm nay, ngay từ đầu tháng 10 Âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, gia đình ông đã gia cố, che chắn chuồng trại bằng bao tải và bạt cũ để ngăn không cho gió lạnh, sương muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu trong những ngày giá rét. Bên cạnh đó, sau khi gặt lúa mùa, ông cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô để làm thức ăn cho đàn trâu trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa trâu ra ngoài chăn thả. Ngoài rơm rạ dự trữ, gia đình ông còn trồng thêm cỏ và chuẩn bị cám gạo, ngô, sắn, nước muối... để bổ sung, tăng sức đề kháng cho đàn trâu trong những ngày rét đậm, rét hại.
Cũng giống như gia đình ông Tiền, ngay sau khi đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về, gia đình ông Ma Văn Đức, thôn Nà Chát, xã Linh Thông đã chủ động đưa 5 con bò đang chăn thả trên rừng về nhà nuôi nhốt để tiện trông coi, chăm sóc. Ông Đức chia sẻ: 5 con bò của gia đình tôi trị giá hơn 100 triệu đồng. Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên tôi không thể chủ quan được. Ngoài việc sửa chữa, che chắn lại chuồng trại và chuẩn bị các loại thức ăn dự trữ, tôi còn tiêm vắc - xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y xã.
Theo thống kê, hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Định Hóa có trên 24.700 con, trong đó, 5.521 con trâu; 5.000 con bò và 14.200 con dê. Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc đã và đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện. Vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trong mùa giá rét có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hằng năm, ngay khi bước vào mùa Đông, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Huyện cũng đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, kiểm tra và hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.