Hồ Núi Cốc là 1 trong 6 công trình thủy lợi trọng điểm cấp Quốc gia, có nhiệm vụ bảo đảm nước tưới cho trên 12 nghìn héc-ta lúa và hoa màu; cấp nước bổ sung cho hệ thống sông Cầu. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Tích Lương và Nhà máy nước Yên Bình; góp phần điều hòa khí hậu, tạo môi trường và cảnh quan thuận lợi cho phát triển du lịch, kết hợp nuôi trồng thủy sản… Với nhiều công năng như vậy nên việc vận hành, quản lý nhằm bảo đảm an toàn công trình đại thủy nông này trong mùa mưa bão luôn được tỉnh và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Chuẩn bị đón lũ Tiểu Mãn (vào trung tuần tháng 5), thời điểm này, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên - đơn vị được giao quản lý công trình hồ Núi Cốc - đã hạ thấp mực nước hồ xuống khoảng 70% so với cao trình mực nước dâng bình thường. Dẫn chúng tôi đi thực tế xung quanh hồ, anh Trần Văn Khánh, Cụm trưởng Cụm quản lý công trình đầu mối hồ Núi Cốc chia sẻ: Hồ rộng khoảng 25km2 với dung tích chứa 175 triệu m3 nước, bao gồm các hạng mục: Đập chính, 7 đập phụ, 20km kênh, 2 trạm bơm và 1 hồ nhỏ. Bước vào mùa mưa bão, chúng tôi đã phân công cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm theo dõi các hạng mục công trình: Đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, khu vực lòng hồ, hệ thống kênh… bảo đảm túc trực 24/24 giờ để có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để bảo đảm thuận lợi cho việc theo dõi, quan trắc mực nước hồ Núi Cốc, từ năm 2018, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã tiến hành lắp 2 camera theo dõi, giám sát trực tiếp ở vị trí tràn xả lũ và thân đập chính. Hình ảnh từ camera được truyền trực tiếp về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các đơn vị liên quan. Đặc biệt, trong quá trình xả lũ, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên luôn kịp thời thông báo tới các địa phương vùng hạ du để cảnh báo và chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như: Bạt, phao cứu sinh, xe rùa, rọ thép… để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cụ thể, trong đó đưa ra các tình huống dự kiến có thể xảy ra trong mùa mưa bão và giải pháp xử lý kỹ thuật. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như: Đá hộc, rọ thép, phao cứu sinh, bao tải, cuốc, xẻng, xe rùa, dây thừng... tại kho quản lý vật tư, sẵn sàng phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty cho biết: Bước vào mùa mưa lũ, vấn đề đặt ra đối với Công ty là làm sao vừa tích trữ đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đồng thời vẫn bảo đảm an toàn hồ, đập. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình để có biện pháp sửa chữa, bảo đảm an toàn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại đập chính, một số vị trí trên mặt đập và tường chắn sóng bị bong tróc; trên mái thượng lưu một số khu vực tấm lát gia cố mái bị sụt lún hư hỏng. Tại đập phụ số 1, đỉnh đập có kết cấu bằng bê tông nhiều vị trí bị hư hỏng, bong tróc xuất hiện nhiều ổ gà có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nguyên nhân là do có tuyến đường ĐT 267 đoạn từ K11+350 đến K11+800 đi qua đỉnh đập. Bên cạnh đó, các thiết bị cơ khí của tràn xả lũ có dấu hiệu xuống cấp do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu gây khó khăn cho công tác vận hành và có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình như: hệ thống van cung, cáp tời, mái tôn bảo vệ dàn van... Còn đối với 2 tràn xả lũ hiện đang hoạt động bình thường, thiết bị cơ khí được bảo dưỡng theo định kỳ. Hệ thống điện hoạt động tốt do các tủ điện điều khiển nâng hạ cánh van xả lũ vừa mới được sửa chữa thay thế năm 2019. Nhìn chung, hiện nay, công trình hồ Núi Cốc vẫn bảo đảm ổn định và vận hành theo đúng quy trình đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp, cấp nước sinh hoạt và các nhu cầu dùng nước khác trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ trung bình hằng năm tăng, tổng lượng mưa hằng năm giảm dần, lượng nước đến hồ cũng giảm nhiều so với những năm trước đây. Ngoài ra, mưa lũ cũng xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng mạnh hơn. Vì thế, mặc dù các công trình thủy công ở khu vực đầu mối hiện vẫn vận hành ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi do bị xuống cấp, chỉ an toàn với diễn biến thời tiết mưa lũ bình thường. Nếu mưa lũ xảy ra dồn dập, vượt tần suất thiết kế sẽ không bảo đảm an toàn. Đặc biệt là khả năng nước dâng đột ngột phía thượng lưu sẽ gây áp lực đối với các công trình thủy công như: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước... Trước thực trạng trên, để bảo đảm an toàn cho hồ Núi Cốc trong mùa mưa bão, ngoài sự nỗ lực của đơn vị quản lý thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong việc đầu tư kinh phí để sửa chữa, thay thế những hạng mục công trình đã bị xuống cấp và xây dựng bản đồ phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc. Đặc biệt, đối với huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên chỉ đạo các xã, thị trấn nhắc nhở người dân ở ven hồ Núi Cốc và sông Công không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lòng hồ và vùng bán ngập hồ Núi Cốc từ cao trình +46,2m đến +48,25m và hành lang thoát lũ hai bên bờ sông Công để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.