Đi qua những mùa ngô

08:01, 26/04/2020

Mùa này, đi nhiều nơi trên mảnh đất trung du nửa đồng, nửa núi, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng ngô xanh mướt, mỡ màng. Ấn tượng nhất là những thung ngô ở các xã vùng cao: Phương Giao, Thượng Nung, Bình Long… (Võ Nhai) - nơi được coi là “vựa ngô” của Thái Nguyên. Cắm rễ vào lòng đất, từng cây ngô “kiên cường” trong sương giá, khô hạn, nở hoa, kết bắp mang đến cho người nông dân những vụ bội thu.

Từ bao đời nay, cây ngô vẫn là cây lương thực chủ lực (sau cây lúa) được người nông dân Thái Nguyên tỉ mẩn gieo trồng, chăm bón và gắn bó dài lâu. Mỗi năm, cây ngô đóng góp gần 60 nghìn tấn vào sản lượng cây lương thực có hạt của tỉnh; góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Mỗi khi đến mùa trồng ngô xuân, tôi lại nao nao nhớ về những kỷ niệm ngày ấu thơ. Tiếng là “người thành phố” nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cuốc đất trồng ngô ngay trên khoảnh đồi phía sau nhà. Hồi ấy, mẹ thường mang giống ngô nếp ở quê nội (Chợ Đồn, Bắc Kạn) về trồng. Sau vài tháng chăm bón, cây cho bắp, tuy không to nhưng khi nướng lên, từng hạt ngô dẻo thơm, ngọt đậm. Thích nhất là khi chúng tôi mang những bắp ngô “bánh tẻ” về tẽ lấy hạt, xay cùng với nước rồi lọc lấy bột làm bánh. Những chiếc bánh ngô, nhân thịt, mọc nhĩ được gói trong lá chuối (cách gói giống bánh chuối, bánh lá ngải của đồng bào dân tộc Tày) rồi đem đồ lên có hương vị thật tuyệt. Mỗi mùa ngô, mẹ tôi không quên để lại những bắp già để lấy hạt làm xôi ngô.

Thời trẻ thơ ấy, tôi chỉ biết đến cây ngô qua những món ngon mê thích. Sau này lớn lên, tôi đã hiểu được giá trị của cây ngô với đời sống con người. Có nhiều loại ngô, thường được xếp vào các loại khác nhau về cả tính chất và công dụng như ngô nếp (hạt màu trắng, dẻo hạt), chủ yếu để ăn; ngô tẻ (hạt màu trắng hoặc vàng), cứng nhưng sản lượng cao nên dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, ngô là loại cây lương thực quan trọng thứ hai sau lúa. Trước đây, diện tích trồng ngô của tỉnh tập trung chủ yếu ở các khu vực soi, bãi, sau này (khoảng đầu những năm 2000 trở lại đây), khi phong trào trồng cây màu vụ Đông phát triển, diện tích và sản lượng ngô hàng năm của Thái Nguyên tăng khá nhanh. Năm 2005 đã đạt hơn 12 nghìn héc ta, tăng khoảng 30-40% so với chục năm trước đó, đến năm 2014, diện tích trồng ngô đã đạt trên 16.000ha. Nhiều diện tích đất nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cấy lúa, người dân đã chuyển sang trồng ngô. Thậm chí, nhiều diện tích ruộng thường xuyên gặp hạn còn chuyển sang trồng ngô chuyên canh để không lãng phí nguồn tài nguyên đất và bảo đảm thu nhập cho người dân.

Cây ngô từng là “cứu cánh” giúp người dân Thái Nguyên vượt qua đói nghèo, nhất là các xã vùng cao ở Võ Nhai như Phương Giao, Tràng Xá, Liên Minh, Bình Long... khi đáp ứng được một phần nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong tỉnh và phục vụ nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân. Ở các bản làng người Mông lưng chừng núi của các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, món ăn “mèn mén” đã từng thay cơm nuôi sống bao người.

Với Thái Nguyên, việc chuyển đổi từ giống ngô địa phương năng suất thấp sang trồng các giống ngô lai, năng suất, chất lượng được người nông dân hưởng ứng mạnh mẽ từ hơn 10 năm trước. Khi ấy, các giống ngô lai bắt đầu được trồng khá phổ biến ở tỉnh. Ông Nguyễn Tá, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: Hiện, người dân Thái Nguyên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống ngô khi 100% diện tích trong tỉnh đều được “ươm mầm” bằng những giống mới. Trong đó dòng giống ngô NK của Công ty Sygenta Việt Nam và ĐK của Công ty TNHH DeKalb Việt Nam chiếm tới gần 90% diện tích. Đây chính là “đòn bẩy” đưa năng suất ngô của tỉnh tăng cao. Đến nay, năng suất ngô bình quân của tỉnh đã đạt khoảng 47-48 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với hơn chục năm trước.

Hôm nay, cuộc sống bộn bề khiến tôi không còn thời gian để quay vòng cùng với những món ẩm thực được làm từ hạt ngô nhưng cứ vào vụ ngô đông - xuân, tôi lùng mua bằng được món sữa ngô béo ngậy. Nhấm nháp vị ngọt và hít hà thật lâu hương thơm của sữa ngô, ký ức tuổi thơ lại ùa về. Điều khiến tôi cảm thấy vui là đi qua những mùa ngô, loại cây trồng này vẫn có “chỗ đứng” khá vững chắc trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. 5 năm trở lại đây, diện tích trồng ngô có xu hướng giảm (hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 13.000ha ngô/năm) để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, giá trị thu được từ cây trồng này lại càng tăng cao khi người dân đã chuyển hướng sang sản xuất ngô theo hướng hàng hóa, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều loại ngô nếp, ngô ngọt… đã được bà con các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình; T.P Thái Nguyên; T.P Sông Công… đưa vào gieo trồng và tiêu thụ khá thuận lợi. Chị Lăng Thị Phương, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) - là hộ có kinh nghiệm nhiều năm trồng ngô nếp bảo: Những năm trở lại đây, các loại ngô nếp được chúng tôi trồng quanh năm, vụ này gối vụ kia. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn trồng ngô ngọt. Loại ngô này vừa được sử dụng làm sữa ngô, vừa phục vụ cho các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Có thể thấy, người dân Thái Nguyên đang “vận động” để loại cây lương thực này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mong rằng, những cánh đồng ngô sẽ mãi xanh và cho những vụ mùa bội thu để không phụ công chăm bón sớm hôm của những người nông dân “một nắng, hai sương”…