Thực tế cho thấy, trong quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh hiện nay còn không ít tồn tại, bất cập, nhất là việc chưa thống nhất được số liệu liên quan đến diện tích các loại rừng. Vì vậy, việc sớm thống nhất số liệu 3 loại rừng là hết sức cần thiết trong công tác quy hoạch và quản lý rừng.
Sau khi rà soát lại diện tích 3 loại rừng trên địa bàn gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phát hiện trên 12ha rừng tự nhiên đang nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp và quy hoạch rừng phòng hộ thuộc 2 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Ngoài ra, có trên 8.900ha rừng sản xuất nằm trong quy hoạch lâm nghiệp nhưng không đáp ứng các tiêu chí, không đúng hiện trạng; trên 2.900ha rừng nằm trong các chương trình, dự án có sử dụng rừng và đất lâm nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch; trên 2.280ha đất cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với 166 hộ dân tại các xã có rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, qua rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác có 23 dự án với tổng diện tích trên 65ha, gồm 8 dự án tại 3 xã của T.P Thái Nguyên; 13 dự án tại 9 xã của huyện Phú Lương và 2 dự án tại 2 xã của huyện Phú Bình. Toàn bộ diện tích này đang trong quá trình thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng đất và rừng sang mục đích khác… Đấy là chưa kể vẫn còn một số diện tích rừng do các địa phương đề nghị chuyển đổi chưa được rà soát cụ thể, chưa xác định được hiện trạng sử dụng đất rừng, hiện trạng rừng, chủ quản lý rừng.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn và địa phương liên quan nhanh chóng vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm sớm thống nhất số liệu 3 loại rừng. UBND tỉnh đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh căn cứ các tiêu chí phân loại rừng theo quy định của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát lại một số diện tích rừng các địa phương đề nghị chuyển đổi nhưng chưa thống nhất về diện tích, hiện trạng rừng; tích cực tham mưu giải quyết đề nghị về điều chỉnh số liệu 3 loại rừng đúng quy định, phù hợp với thực tế để thu hút đầu tư.
Tỉnh cũng yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp làm rõ hiện trạng các loại đất (đất ở, đất ruộng, đất vườn, đất rừng…) đối với diện tích đất cấp trùng giữa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với các hộ dân, sớm đề xuất phương án giải quyết. Yêu cầu các địa phương có rừng chỉ đạo rà soát lại số liệu 3 loại rừng cấp huyện; tiến hành đối chiếu số liệu quy hoạch 3 loại rừng đã rà soát với số liệu kiểm kê đất đai năm 2019, từ đó tiếp tục rà soát, đề nghị chuyển đổi những diện tích rừng sản xuất không đáp ứng các tiêu chí sang trồng một số loại cây chủ lực khác có giá trị kinh tế theo định hướng của tỉnh…
Như vậy, trên cơ sở đã xác định được diện tích 3 loại rừng và chỉ rõ những khu vực còn tồn tại, bất cập trong quy hoạch, với những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, tin chắc Thái Nguyên sẽ sớm thống nhất, hoàn thiện số liệu 3 loại rừng nhằm kịp thời tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch của tỉnh giai đoạn tới.