Qua tính toán của các ngành chức năng, trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ từ 10 năm trở lên, người dân có thể thu từ 250-300 triệu đồng/ha, cao gấp 2-2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Trên cơ sở đó, dựa vào lợi thế nhiều diện tích rừng sản xuất (hơn 19.000ha), huyện Đồng Hỷ đang khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ trồng rừng.
Ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Thực tế cho thấy, người dân trồng rừng mà khai thác ở chu kỳ 5-6 năm tuổi như hiện nay thu được từ 80-100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm người dân chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/ha là không cao. Với lý do đó, năm 2019, huyện Đồng Hỷ giao nhiệm vụ cho Hạt Kiểm lâm huyện vận động người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Với chu kỳ phát triển của cây từ 10 năm trở lên, mỗi héc ta, bà con có thể thu 250-300 triệu đồng. Hơn nữa, việc trồng rừng gỗ lớn giảm được chi phí đầu tư trồng, chăm sóc cây ban đầu, tránh được việc cây bị gãy đổ khi mưa bão, đặc biệt, thị trường tiêu thụ dễ dàng hơn so với hiện nay.
Với những ưu điểm trên, nhiều hộ dân trồng rừng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã tham gia trồng rừng gỗ lớn. Gia đình anh Nguyễn Văn Huy, xóm Vân Hòa, xã Văn Hán là một ví dụ. Với hơn 6ha rừng keo chuẩn bị đến tuổi khai thác nhưng anh Huy không thu hoạch mà thay vào đó sẽ để cây tiếp tục phát triển đến trên 10 năm tuổi.
Anh Huy chia sẻ: Bản thân tôi đã trồng rừng và làm xưởng chế biến gỗ nhiều năm. Nếu tính ra, từ việc xuất gỗ ván băm (dùng cả nguyên liệu của gia đình và mua ngoài), sau khi trừ các chi phí thu không được 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, gần 1 năm trở lại đây, khi xuất hiện dịch COVID-19, việc xuất bán ván băm, ván bóc bị trì trệ. Chính vì vậy, tôi quyết định để cây qua 10 năm tuổi, khi đó, đường kính cây sẽ đạt trên 25cm, cây được bán theo giá gỗ xẻ, trung bình đạt 2 triệu đồng/m3. Mỗi héc ta rừng có thể cho khai thác 150m3, tương đương 300 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi 250 triệu đồng, cao hơn 2-2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ hiện nay.
Cùng quan điểm như anh Huy, anh Triệu Quốc Phượng, Trưởng xóm Khe Cạn, xã Cây Thị cho biết: Gia đình tôi hiện có 15ha đất rừng. Trước đây, toàn bộ diện tích này đều trồng keo khai thác gỗ nhỏ cho giá trị thấp. Từ năm 2019, gia đình tôi chuyển 10ha sang trồng rừng gỗ lớn với 2 loại cây là giổi xanh và chò chỉ. Trồng giổi xanh không chỉ cho thu quả mà gỗ bán được với giá cao. Theo tính toán, khi cây được 6 năm tuổi sẽ cho thu quả, mỗi cây cho thu từ 4-5kg quả, giá bán 2 triệu đồng/kg như hiện nay, có thể thu 10 triệu đồng/cây. Với mỗi héc ta trồng được 1.000 cây thì sẽ cho một khoản thu nhập không nhỏ; sau 30 năm có thể khai thác gỗ với giá bình quân 15 triệu đồng/m3 (hiện nay). Trong xóm đã có 5 hộ đang trồng rừng gỗ lớn, với tổng diện tích 50ha.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có nhiều hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, với diện tích ban đầu khoảng 200ha. Giống cây đưa vào trồng chủ yếu là cây keo nuôi cấy mô, giổi xanh, chò chỉ, kháo vàng... Ông Phùng Văn Trung cho biết thêm: Giống cây đưa vào trồng rừng gỗ lớn đóng vai trò rất quan trọng bởi nó quyết định đến chất lượng gỗ, giá trị sản phẩm khi khai thác. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích người dân trồng giống cây bản địa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Riêng với giống keo đưa vào trồng rừng gỗ lớn là keo nuôi cấy mô hoặc keo hạt nhập nội, tránh tình trạng cây quá 10 năm tuổi bị rỗng ruột như keo hom. Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn vận động bà con trồng xen cây dược liệu, cây ăn quả... dưới tán rừng để có thu nhập thường xuyên, đảm bảo trang trải cuộc sống hằng ngày...