Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát trên địa bàn T.X Phổ Yên sau nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh. Trong số các mẫu bệnh phẩm Thị xã gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, có 5 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi xuất hiện bệnh dịch, T.X Phổ Yên đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Xã Đông Cao là địa phương đầu tiên của T.X Phổ Yên phát hiện có lợn ốm, chết tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh được xã đặc biệt quan tâm. Ông Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Từ ngày 27-10 đến 9-11, xã đã tiêu hủy số lợn, ốm chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 17 hộ thuộc 7 xóm với tổng số 62 con, trọng lượng hơn 2,1 tấn. Sau khi 2 mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xóm để người dân nắm rõ và có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Triển khai tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, rắc vôi bột ở các trục đường chính; vận động nhân dân, các hộ chăn nuôi làm tốt việc vệ sinh chăn nuôi thú y, nếu có lợn ốm, chết phải báo ngay cho trưởng xóm để tiêu hủy theo quy định...
Ông Hoàng Công Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên cho biết: Ngày 27-10, sau khi nhận được thông tin có lợn bị ốm, chết tại các hộ chăn nuôi thuộc các xã: Trung Thành, Đông Cao, Tân Hương, Nam Tiến và Thành Công. cơ quan chuyên môn của Thị xã đã phối hợp với các xã tiến hành kiểm tra, xác minh và báo cáo Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, số lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vì có các triệu chứng như: Sốt, bỏ ăn, chết nhanh, lây lan nhanh. Từ ngày 27-10 đến 8-11, Thị xã đã tiến hành tiêu hủy 470 con lợn các loại (trọng lượng trên 21,8 tấn) có biểu hiện ốm, chết tại 152 hộ dân thuộc 11 xã trên địa bàn.
Người dân xã Nam Tiến chuẩn bị mang lợn bị chết do dịch tả châu Phi đi tiêu hủy.
Thực tế cho thấy, dịch tả lợn châu Phi tái phát chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguyên nhân một phần là do khi lợn bị ốm, chết, người dân đã tự chữa trị hoặc bán “chạy” mà không khai báo với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Mặt khác, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, việc mua bán, vận chuyển lợn thời gian này tăng cao, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn, dễ dẫn đến nguy cơ lây lan, tái bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…
Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, T.X Phổ Yên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường tăng cường thông tin, tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện khai báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi phát hiện lợn ốm, chết hoặc có triệu chứng của bệnh dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. UBND các xã, phường đã chỉ đạo các trưởng xóm, tổ dân phố, cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ động vật, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Thị xã cũng đã cấp hơn 5.500 lít hóa chất để các địa phương triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, các trục đường chính. Tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi lợn không tự ý chữa trị, mổ khám, bán “chạy”, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan…
Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, tính đến thời điểm này, các mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi mới xác định ở xã Đông Cao, Nam Tiến và Minh Đức, song dịch đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan và bùng phát trên địa bàn Thị xã rất cao. Do vậy, địa phương yêu cầu các xã, phường tiếp tục thông tin tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi để người dân nắm rõ và chủ động các biện pháp phòng, chống. Khuyến khích người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn.
Đối với các xã đang có dịch, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Đặc biệt, phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy phải đảm bảo vệ sinh, không rơi vãi chất thải, các dịch tiết, máu của lợn bệnh ra môi trường. Đối với các xã chưa có dịch, thực hiện việc giám sát, phát hiện ổ dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi, công bố dịch theo quy định. Xử lý tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết kết hợp vệ sinh tiêu độc khử trùng kỹ môi trường chăn nuôi, chuồng trại, phương tiện, dụng cụ phục vụ chăn nuôi...