Cổ Lũng là xã có số hộ dân tham gia phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản (NTTS) cao nhất trên địa bàn huyện Phú Lương, trong đó chủ yếu là nuôi cá giống. Nhiều năm qua, ngành nghề này đã và đang đem lại nguồn thu ổn định cho người dân trên địa bàn.
Xã Cổ Lũng có nhiều tiềm năng phát triển NTTS với phía Tây giáp với nhánh chính của suối Phượng Hoàng; phía Đông và phía Bắc có dòng sông Đu chảy qua. Ngoài ra, xã còn có 7 hồ, đập thủy lợi vừa và nhỏ, cùng hệ thống giao thông được đầu tư cứng hóa đồng bộ, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Nhờ có lợi thế này, từ nhiều năm về trước, người dân trên địa bàn xã đã tận dụng nguồn nước để phát triển thủy sản, tập trung vào nuôi, ươm cá giống.
Anh Trần Đình Trọng, xóm Bờ Đậu cho biết: Năm 2000, nối nghiệp của gia đình, tôi bắt đầu phát triển nghề cá giống với diện tích vài sào. Sau thời gian vừa làm vừa học hỏi và được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thủy sản do xã tổ chức, tôi đã mạnh dạn thuê thêm ao, hồ và những diện tích lúa kém hiệu quả để tận dụng đào ao nuôi, ương cá giống. Hiện, gia đình tôi có 7,2ha mặt nước nuôi, ương cá giống. Riêng năm 2019, tôi xuất được 10 tấn cá giống, doanh thu đạt hơn 500 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc NTTS, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã học hỏi lẫn nhau, chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang đào ao, ương cá giống. Hiện, toàn xã có 61ha mặt nước với gần 250 hộ NTTS (tăng 190 hộ so với năm 2008), trong đó có tới 95% số hộ là nuôi, ương cá giống. Các xóm có diện tích NTTS lớn gồm: Tân Long, Bờ Đậu, Cổng Đồn, Làng Ngói, Cây Lán… Hiện, nghề NTTS có tỷ trọng kinh tế lớn thứ 3 của xã, sau ngành dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo thống kê, sản lượng NTTS của xã luôn tăng dần theo từng năm, đạt 208 tấn vào năm 2019 (tăng gấp 8 lần so với năm 2008) và tổng doanh thu đạt khoảng 10,4 tỷ đồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản trên địa bàn xã, những năm qua, xã Cổ Lũng cũng triển khai một số giải pháp như: tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân; khảo sát nhu cầu để thống kê, lập kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các hộ NTTS. Đặc biệt, vào năm 2015, xã cũng hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá giống Bờ Đậu, nhằm khuyến khích người dân liên kết với nhau trong nuôi, ương và kinh doanh cá giống.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá giống Bờ Đậu cho biết: Tổ thu hút được 30 hộ nuôi, ương cá tham gia. Việc thành lập tổ đã tạo điều kiện cho các tổ viên có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với nhau; thống nhất về giá cả thị trường… Ngoài ra, những tổ viên nào tìm kiếm được nhiều đầu ra cũng liên kết với các tổ viên còn lại để đứng ra thu mua và phân phối ra thị trường. Nhờ đó, góp phần từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu cá giống trên địa bàn, tạo được sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Bà Dương Thị Thu Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Hoạt động NTTS của xã đã có những bước phát triển nhất định trong những năm vừa qua, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, đa số các hộ dân vẫn nuôi trồng theo hình thức manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Do đó, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào NTTS; nhân rộng những mô hình có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường quản lý nhà nước trong việc kiểm tra chất lượng con cá giống. Đặc biệt, xã sẽ tiến tới hướng dẫn bà con thành lập Hợp tác xã NTTS để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…