Ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn trong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế,ông Đỗ Đình Phan, hội viên Chi hội Nông dân xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi thỏ trắng New Zealand.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng rộng 500m2 với hàng trăm con thỏ lông trắng muốt, trông thích mắt, ông Phan chia sẻ: Cuối năm 2007, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu từ các phương tiện truyền thông và tham quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao do Hội Nông dân xã Thanh Ninh tổ chức, tôi nhận thấy điều kiện của gia đình phù hợp để nuôi thỏ. Tôi đã bàn với vợ cải tạo mảnh đất vườn của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Những ngày đầu nuôi thử do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm nên chỉ dám mua mấy con thỏ mẹ giống New Zealand về nuôi thử đồng thời thăm dò thị trường tiêu thụ.
Nhờ sự kiên trì, chịu khó nghiên cứu nên ông nhanh chóng nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phát triển đàn thỏ hiệu quả. Ông Phan chia sẻ thêm: Để thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tôi luôn chú trọng phòng bệnh, tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho thỏ như tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi tiêm 1 lần cho tới khi xuất bán. Chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tôi dành thời gian quan sát, kiểm tra đàn thỏ hằng ngày. Nếu thấy thỏ có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng…
Theo ông Phan, thỏ phát triển nhanh, sau khi mua giống về khoảng 2 tháng sẽ sinh sản. Thức ăn của thỏ chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương. Nuôi thỏ đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, rất hợp với quy mô chăn nuôi nông hộ. Bởi vậy, ông đã nâng dần số lượng nuôi từ vài đôi giống ban đầu nay đã tăng lên 150 đôi thỏ giống. Còn số lượng thỏ con thương phẩm luôn có trên nghìn con.
Thỏ con nuôi khoảng 3 tháng, trọng lượng đạt 2,5-3kg thì có thể xuất bán. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao và được đánh giá là nguồn thực phẩm sạch. Lông và da của chúng dùng còn có thể để gia công sản xuất áo, mũ, đồ thủ công mỹ nghệ. Về đầu ra, ông tìm đến các nhà hàng, khách sạn, liên hệ các đầu mối thu mua. Nhờ chăn nuôi có uy tín, chất lượng nên trang trại của gia đình ông dần được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn ở tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên đang là khách hàng thân thiết của gia đình ông. Trung bình mỗi tháng xuất bán 5 - 6 tạ thỏ thịt và 4 - 5 lứa thỏ giống, doanh thu mỗi năm từ 200 đến 300 triệu đồng.
Không chỉ nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Phan còn là hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động của Hội, của địa phương; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn cởi mở, giúp đỡ nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, để mọi người có phương pháp tốt nhất phát triển kinh tế phù hợp với gia đình. Riêng mô hình nuôi thỏ của gia đình ông đã được nhiều người ở các nơi đến thăm quan, học tập và ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ mọi người.