Mũi nhọn trong nghiên cứu khoa học, phát triển chăn nuôi

11:14, 20/11/2020

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp &PTNN) có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn vùng trung du, miền núi. Những năm qua, Trung tâm đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững tại các tỉnh trung du, miền núi nước ta.

 
* Trung tâm hiện có tổng số 41 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 3 tiến sĩ khoa học nông nghiệp; 6 thạc sĩ và 8 người có trình độ đại học.
 
* Hệ thống tổ chức gồm: 2 phòng chức năng (Nghiệp vụ tổng hợp; Khoa học và Chuyển giao công nghệ); 2 trạm nghiên cứu chuyên con (Trạm nghiên cứu chăn nuôi gia súc ăn cỏ; Trạm nghiên cứu sản xuất thức ăn gia súc).
 
* Thành tích nổi bật: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000); Cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp & PTNN (năm 2019); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011); Cờ thi đua của UBND tỉnh (các năm 2003, 2009, 2015, 2019)...
Được thành lập tháng 4-1960, trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển với 3 lần đổi tên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã có nhiều đóng góp quan trọng, phục vụ đắc lực cho việc phát triển chăn nuôi ở nước ta qua nhiều giai đoạn lịch sử. Từ tháng 1-2008, Trung tâm có bước ngoặt phát triển mới khi được phép hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí theo Nghị định số 115/CP-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ. Từ đây, Trung tâm có thêm nhiều nhiệm vụ mới với đa dạng hướng đi, đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức khi hoạt động theo cơ chế mới.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nghiên cứu, thí nghiệm, nhà xưởng, chuồng nuôi, vườn quỹ gen giống cỏ trải dài trên diện tích rộng lớn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm phấn khởi cho biết: Với thế mạnh trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Trung tâm đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 18 đề tài cấp Bộ, tỉnh và 50 đề tài cấp cơ sở; chuyển giao 16 quy trình công nghệ sản xuất, chăn nuôi; tư vấn xây dựng 24 đề tài, dự án khoa học công nghệ; biên soạn nhiều tài liệu đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tập hợp giữ quỹ gen của 36 giống cỏ, sản xuất ra các hạt giống có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế, nhân rộng được trên 275ha giống cỏ ở miền núi, góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng thiếu hụt thức ăn vụ đông cho các gia súc ăn cỏ...
 
Nhân viên Trung tâm chăm sóc ngựa giống Cabadin.
 
Trong hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã thực hiện hợp phần Dự án JICA-SATREPS "Thành lập hệ thống ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học" do Viện Chăn nuôi chủ trì (giai đoạn 2014-2020), kết quả tỷ lệ nuôi sống 100%, đặc biệt là không nhiễm dịch tả lợn châu Phi, được phía Nhật Bản đánh giá cao. Trung tâm cũng đã rất thành công khi nuôi thích nghi và nhân thuần ngựa Cabadin tại Việt Nam, tạo ra gần 400 ngựa giống thuần và con lai có sức làm việc cao hơn 30-50% so với ngựa nội; giữ quỹ gen giống trâu Murrah, trâu đầm lầy Thái Lan, ngựa bạch Việt Nam; ghép đàn trâu đực Murrah với trâu cái nội, sản xuất tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ để thụ tinh nhân tạo, cải thiện tầm vóc, chất lượng cho đàn trâu, ngựa tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc…
 
Đứng trên cánh đồng cỏ xanh bát ngát, ngắm nhìn đàn trâu, đàn ngựa với tầm vóc ngày càng phát triển, những khu thí nghiệm, chuồng trại được xây dựng khoa học, quy củ, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực bền bỉ của các cán bộ, công nhân viên nơi đây. Trong kế hoạch phát triển những năm tiếp theo, Trung tâm xác định nhiệm vụ nghiên cứu giống trâu sẽ là mũi nhọn đi đầu, tiếp tục chuyển giao công nghệ về giống, nâng cao khả năng sinh sản, dinh dưỡng, thú y... từ đó xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại hàng hóa tại các địa phương. Cùng với việc nghiên cứu nâng cao tầm vóc ngựa nội địa, lai tạo, nuôi dưỡng và huấn luyện ngựa chiến đấu, Trung tâm sẽ từng bước chuyển hướng nghiên cứu ngựa phục vụ thể thao, du lịch và văn hóa; tiếp tục chuyển giao các giống gia cầm bản địa; triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi thỏ, hươu sao; nghiên cứu các giống cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ chế biến thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi; mở rộng hợp tác quốc tế trong thực nghiệm, nghiên cứu khoa học về chăn nuôi đại gia súc...