Vụ đông năm nay, T.X Phổ Yên gieo trồng khoảng 3.000ha cây rau màu các loại,trong đó có trên 600ha ngô; trên 1.300ha rau xanh, còn lại là các cây màu khác. Nét mới trong sản xuất vụ đông năm nay là người dân đã chủ động đưa các giống mới, cho năng suất cao vào gieo trồng, liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Những ngày này về các xã: Đông Cao, Tiên Phong, Tân Phú, phường Ba Hàng, chúng tôi thấy không khí sản xuất vụ đông khá khẩn trương của người dân trên các cánh đồng. Ông Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Đông Cao thông tin: Trong khi một số địa phương khác bắt đầu trồng cây vụ đông thì ở xã Đông Cao, một số diện tích cà chua, bí xanh, bắp cải đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong số hơn 100ha cây màu, toàn xã có khoảng 50% diện tích trồng cây vụ đông sớm. Nếu trước kia, các loại rau xanh ăn lá, rau thơm được trồng chủ yếu thì năm nay, cây cà chua đã được đưa vào trồng tập trung, với diện tích khoảng 20ha.
Chị Nguyễn Thị Nhâm, ở xóm Việt Hồng cho biết: Tháng 8, gia đình tôi bắt đầu xuống bầu 3 sào cà chua. Mặc dù thời tiết vừa qua có mưa nhiều, song diện tích cà chua được nẹp dàn cẩn thận nên không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện, diện tích trên bắt đầu cho thu hoạch, giá bán dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2-3 lần so với cà chua trồng chính vụ.
Xã Tân Phú hàng năm có diện tích ngô vụ đông đứng đầu Thị xã với khoảng 50ha. Năm nay, cùng với trồng các giống ngô lai phục vụ chăn nuôi, bà con đã đưa vào trồng giống ngô ngọt SW1011 với diện tích 13ha, tại các xóm: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình và Lợi Bến. Giống ngô này có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, ít sâu bệnh, cho bắp to, hạt vàng, được thị trường ưa chuộng để chế biến món ăn. Đây là lần đầu tiên người dân đưa giống ngô này vào trồng và liên kết với Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương trong việc bao tiêu sản phẩm.
Tương tự, toàn bộ diện tích ớt chỉ thiên tại xóm Đồi, xã Nam Tiến trong vụ đông này cũng được liên kết tiêu thụ với Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu nông dược Thăng Long. Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tiến cho biết: Tháng 3 vừa qua, hơn 10 hộ dân xóm Đồi đã chuyển đổi gần 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng giống ớt trên. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con trong xã đã chuẩn bị các điều kiện để trồng ớt chỉ thiên tập trung, diện tích hơn 2ha. Sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch, cứ 3-4 ngày thu hái một lứa, năng suất ước đạt khoảng 800 kg/sào, giá bán dao động từ 9.000-20.000 đồng/kg. Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tạo động lực để nông dân yên tâm mở rộng diện tích.
Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, trong những năm qua, mặc dù diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn giảm về diện tích, song vẫn được đánh giá là cho năng suất cao hơn so với cấy lúa. Do vậy hàng năm, địa phương đã tập trung thực hiện các giải pháp, nhằm tạo động lực để nông dân sản xuất, khuyến khích bà con đưa vào trồng các giống ngô lai, cây màu cho năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện trình diễn một số mô hình cho năng suất, thu nhập cao để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn. Chỉ đạo các địa phương chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Vụ đông năm nay, Thị xã đã chỉ đạo bà con chuyển từ trà lúa mùa trung và muộn sang trà lúa mùa sớm (với diện tích trên 90%) nhằm giải phóng đất để đảm bảo trồng cây màu đúng khung thời vụ. Yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, trong đó tập trung rà soát diện tích, lựa chọn cây trồng phù hợp. Trước khi bước vào sản xuất vụ đông, cơ quan chuyên môn của Thị xã đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động phương án tưới tiêu gắn với công tác phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi thời tiết diễn biễn phức tạp.