Sớm thôi Cao Biền sẽ khác

14:53, 06/11/2020

Cao Biền, xóm vùng cao của xã Phú Thượng (Võ Nhai) tuy không quá xa về khoảng cách địa lý nhưng lại ít người có cơ hội đặt chân đến, bởi lẽ đường đến Cao Biền quá khó khăn. Thế nhưng, điều khiến tôi ngỡ ngàng hơn cả khi đến Cao Biền lại chính là sự “giàu có” dưới lớp vỏ hoang sơ ở nơi này. 

Gần một tiếng đồng hồ đi lòng vòng trong xóm, tôi không gặp được một người nào để hỏi thăm, đành rẽ vào một ngôi nhà gỗ gần đường, nhưng chỉ có hai đứa trẻ ở nhà. Vào một nhà khác, bà chủ nhà khoảng 60 tuổi, lưng đeo gùi vừa trên nương về. Tôi hỏi thăm nhà trưởng xóm, bà chỉ, nhà anh Phong Trưởng xóm ở mãi Lân Luông, người lạ không tìm vào được đâu. Tôi chưa biết xử trí ra sao thì bà chỉ tay ra phía đường hô to: “Phong kìa” rồi chạy vụt ra gọi Phong lại. 
 
Trưởng xóm Triệu Hữu Phong năm nay vừa tròn 30 tuổi, nhanh nhẹn, cởi mở và hiếu khách. Đặc biệt, tôi có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết cháy bỏng ở chàng trai này. Dù Phong đang chia sẻ về những cái khó của Cao Biền, song tôi lại cảm thấy rất rõ tiềm năng của sự giàu có ở nơi đây.
 
Cao Biền có gần 50 hộ dân, đại đa số là đồng bào dân tộc Dao. Ruộng ở đây rất ít, thóc gạo nhiều lắm cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Cuộc sống của người dân đúng là rất khó khăn cho đến khi cây hồi xuất hiện. Hồi là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất Cao Biền. Cây hồi bén rễ ở Cao Biền từ đầu năm 2000. Đây là loại cây gần chục năm mới cho thu hoạch và 3 năm sau bói mới cho sản lượng ổn định. Hỏi diện tích cây hồi trong xóm có bao nhiêu, Phong gãi gãi đầu: “Không biết đâu”, nhưng nhà nào cũng có. Mỗi nhà có độ 500 cây, năm 2019, đồi hồi nhà anh Triệu Văn Lương bán được 98 triệu đồng đấy, các hộ bán được vài ba chục triệu thì nhiều lắm. 
 
​Tác giả trao đổi chuyện chăm sóc cây hồi với ông Triệu Sinh Hồng và anh Triệu Hữu Phong, Trưởng xóm Cao Biền. (ảnh: Mạnh Hùng)
 
Cùng Phong đi quanh xóm, hương hồi xộc vào mũi thơm lừng. Phong chỉ tay lên phía trên, giới thiệu: Đây là đồi hồi của gia đình ông Triệu Sinh Hồng. Chúng tôi rẽ lên đồi  nơi hai vợ chồng ông Hồng đang phát cỏ.
 
-  Nắng mà ông bà đi làm sớm thế? Tôi hỏi thay lời chào. Ông Hồng dừng tay, quệt mồ hôi tươi cười: Làm trên đồi này cũng mát. Vừa làm vừa nghỉ cô ạ.
 
Đúng như lời ông Hồng nói, đồi hồi đã có tuổi đời chừng 15 năm nên gần như tán đã khép kín, đang nhiều nụ. Nói chuyện trồng hồi, ông Hồng bảo: Cây hồi rất ưa nắng, cho nên mé mặt trời mọc luôn luôn sai hoa hơn mé còn lại. Mỗi năm, hồi được thu 2 vụ vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10. Cây hồi dưới 10 năm tuổi mỗi vụ thu chỉ được khoảng 50kg. Cây trên 10 năm bình quân mỗi vụ thu được khoảng 1 tạ. Cây lâu năm, sản lượng có thể cao gấp 3 lần. Lúc thấp nhất, giá bán hồi vẫn được 22.000 đồng/1kg, cao hơn là 30.000 đồng/1kg.
 
- Vậy là các hộ đều có nguồn thu khá! Tôi chắc mẩm.
 
- Ngoài hồi, bà con còn có nguồn thu đáng kể từ cây thạch đen nữa - Phong hồ hởi - Chị không nghĩ ở đây có cây thạch đúng không? Nhiều người không biết lắm. Thạch ở Cao Biền được thương lái đánh giá rất cao. Họ đến mua và bảo cây trồng ở đây khi nấu lên rất được thạch, hơn hẳn nhiều nơi khác. Cây thạch đen ở Cao Biền thời điểm này chuẩn bị được thu hoạch. Đây cũng là loại cây trồng không phải chăm sóc gì nhiều ngoài 3 lần làm cỏ mỗi vụ, 2 năm mới phải trồng lại một lần. Sau khi thu hoạch, cây được cắt và phơi tại ruộng cho khô, thương lái sẽ đến tận nơi mua. Nhu cầu của thị trường với loại cây này hiện vẫn rất lớn. Mức thu nhập của một hộ từ vài chục đến trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch thạch ở Cao Biền không phải là hiếm.
 
- Bà con mình giàu đấy chứ! Tôi thốt lên. Gương mặt của Phong đang vui bỗng man mác buồn.
 
- Cũng đỡ khổ hơn xưa nhiều rồi chị ạ. Nhưng điều chúng tôi lo nhất cả hồi và thạch đều đang chỉ bán cho thương lái Trung Quốc. Bây giờ thì chưa sao, nhưng nếu phát triển nhiều lên mà phụ thuộc thị trường như thế nhỡ lúc nào đó họ không mua thì không biết bán đi đâu.
 
Điều Phong lo có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng tại sao khi nhu cầu nội địa có, sản phẩm làm ra tốt mà người bán và người mua lại chưa “gặp” được nhau? Tôi hỏi Phong.
 
- Cây thạch được trồng ở Cao Biền lâu chưa, diện tích có lớn không mà lại ít người biết đến vậy?
 
- Từ khoảng năm 2001, diện tích lớn đấy, nhà nào cũng có. Nhà ít dăm ba sào, nhà nhiều thì không tính được. Nhưng ở đây, trước đường đi khó quá, chả mấy ai đến. Thương lái họ toàn đi theo đường Lạng Sơn sang. Ở đây cũng không có sóng điện thoại nên chẳng quảng bá ra ngoài được. 
 
- Đó đã phải là cái khó nhất của bà con mình chưa?
 
- Bà con còn đang thiếu kiến thức trong sản xuất nữa - Phong trả lời-  Bà con trong xóm giờ đang phát triển mạnh cây hồi. Năm nào cả xóm cũng trồng mới từ 5.000 đến 1 vạn cây. Như năm 2019, chỉ tính bà con đăng ký nhờ trưởng xóm nhận giúp cây giống đã là 7.200 cây, chưa tính số lượng cây giống bà con tự mua trồng. Thế nhưng do không biết địa chỉ tin cậy nào bán cây giống, cứ gặp đâu mua đó lại thiếu kỹ thuật nữa nên trồng tỷ lệ cây chết nhiều. Ai cũng mong có lớp tập huấn, được cán bộ hướng dẫn làm thế nào để hồi sai hoa, trồng cây con giống không bị chết và có nhiều thương lái đến mua sản phẩm.
 
Ngưng giây lát, Phong trăn trở: Học ít nên khổ thế đấy nhà báo ạ. Sấp tuổi sinh năm 1990 - 1991 chỉ có tôi và đồng chí Bí thư Chi bộ học hết lớp 12. Chỉ tay về phía xa nơi có dãy núi đá nửa đen, nửa trắng sừng sững, Phong bảo: Đường tới trường của chúng tôi ngày xưa đó.
 
Con đường đi học của Phong giờ đã lùi vào ký ức, bởi đường lên Cao Biền đang được mở rộng và sẽ được bê tông trong nay mai. Xe ô tô đã có thể đi đến tận trung tâm xóm. Hơn thế, điện lưới quốc gia cũng vừa thắp sáng vùng đất này, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật sẽ gần hơn, khoảng cách giữa Cao Biền với tiến bộ, văn minh đang từng bước được rút ngắn. Bởi thế, tôi tin sớm thôi Cao Biền sẽ khác.