Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn T.X Phổ Yên chỉ còn dưới 2%. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng vào việc tạo sinh kế, giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T.X Phổ Yên cho biết: Vấn đề quan trọng đặt ra là cần xác định được nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ dân để từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Do đó, hàng năm, thị xã đã phối hợp với các địa phương rà soát số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn và tổ chức đánh giá chất lượng chương trình giảm nghèo để tiếp tục triển khai các giải pháp sao cho hiệu quả.
Từ thực tế cho thấy, đối với các vùng nông thôn, người dân còn nghèo là bởi thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Với quan điểm giảm nghèo gắn với động viên và tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, do đó, thay vì hỗ trợ theo phương thức cho không, thị xã đã chuyển sang có sự tham gia của người dân, hỗ trợ sinh kế. Theo đó, các nhóm giải pháp đưa ra đó là, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển trồng trọt, chăn nuôi…
Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ thị xã đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 125 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ thị xã cũng đã hỗ trợ bò sinh sản cho 8 hộ nghèo với số tiền trên 120 triệu đồng. Đồng thời, đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn, trong đó lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách là hơn 700 lao động...
Dẫn chúng tôi đi thăm đàn gà của gia đình, ông Nguyễn Văn Lời, một hộ cận nghèo ở xóm Chằm 7B, xã Minh Đức phấn khởi cho biết: “Tháng 8-2020, khi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã hỗ trợ 150 con gà giống tôi vui lắm, bởi trong giai đoạn khó khăn nhất tôi đã được tiếp thêm động lực để vươn lên. Tôi cũng thường xuyên được cán bộ khuyến nông xã tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà. Sau hơn 2 tháng chăn nuôi, đến nay đàn gà đã chuẩn bị được xuất chuồng, ước tính cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này, tôi dự tính sẽ mua thêm gà giống để tiếp tục chăn nuôi, một phần sẽ để mua phân bón chăm sóc cho 3 sào chè mới trồng. Được biết, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.X Phổ Yên đã hỗ trợ hơn 4.600 gà giống cho 31 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã: Đông Cao, Nam Tiến và Hồng Tiến với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 150 con gà giống mía lai (được 15 ngày tuổi); hỗ trợ 60% kinh phí mua con giống và 40% kinh phí mua thức ăn, vắc xin phòng bệnh, thuốc sát trùng.
Là một trong những hộ dân thoát nghèo nhờ được tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn và vay vốn ưu đãi, chị Nguyễn Thị Lan, ở xóm Soi, xã Đông Cao đã vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Từ năm 2018 đến nay, với 3 sào rau màu kết hợp chăn nuôi, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về hơn 70 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình từng bước đi lên, có điều kiện mở rộng sản xuất, nuôi dạy con cái học hành. Chia sẻ về công tác giảm nghèo của địa phương, ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Trong nông nghiệp, cùng với việc giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, đưa các giống mới vào gieo trồng, xã cũng chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, xã đã thực hiện chuyển đổi được hàng chục héc-ta đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cho thu nhập ổn định... Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,4% (năm 2015 là 4,7%), thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, thời gian tới, T.X Phổ Yên sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội, trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt. Rà soát, phân loại nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp; tạo sự chung tay, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, từ đó giúp các hộ nghèo chủ động, nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…