Bám sát các nghị quyết của Trung ương và đề án, kế hoạch của tỉnh, từ cuối năm 2017 đến nay, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành.
Tại thời điểm cuối năm 2017, khi bắt đầu triển khai thực hiện 2 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (được ban hành ngày 25/10/2017), gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nông nghiệp - PTNT có 21 tổ chức trực thuộc. Trong đó bao gồm 5 phòng, 7 chi cục, 5 trung tâm, 2 ban quản lý, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, Sở còn 17 đơn vị trực thuộc, gồm 5 phòng, 6 chi cục, 3 trung tâm, 1 ban quản lý, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó đã giảm được 45 đầu mối tại các đơn vị trực thuộc Sở. Tổng số biên chế của Sở được giao năm 2020 là 474 biên chế và 74 hợp đồng lao động. Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tinh giản được 52 biên chế (tương đương 7,99% so với biên chế được giao năm 2015).
Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động cả về trách nhiệm, ý thức trong thực thi công vụ. Việc sắp xếp, sáp nhập bảo đảm khoa học giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đúng quy định, nâng cao hiệu quả quản lý. Đơn cử như tại 3 trung tâm: Giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản, trước khi sáp nhập, các đơn vị hoạt động chưa thực sự hiệu quả, không phát huy hết tiềm năng. Sau khi sáp nhập, đơn vị đã mở ra hướng đi mới, hứa hẹn bước phát triển trong tương lai.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình kiểm tra, đánh giá năng suất lúa mùa tại xã Úc Kỳ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản cho biết: Từ năm 2019, sau khi sáp nhập, chúng tôi đã tập trung vào việc thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để bà con có điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm. Cụ thể, Trung tâm đã đầu tư khu nhà kính với hệ thống tưới tự động công nghệ Israel để trồng các loại rau ăn lá, cà chua bi và dâu tây. Cùng với đó, tiên phong triển khai mô hình nuôi lợn hữu cơ bằng đệm lót sinh học. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm còn phối hợp với nhiều công ty, đơn vị cung ứng giống trong nước thực hiện được trên 15 mô hình trình diễn các giống lúa mới các loại để bà con có thêm lựa chọn trong bộ cơ cấu giống của tỉnh.
Hay tại Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, sau khi sáp nhập từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Chi cục Thủy sản đã tránh được sự chồng chéo trong thực hiện lĩnh vực quản lý Nhà nước. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Sau khi sáp nhập về một đầu mối tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh thuộc lĩnh vực chăn nuôi được thống nhất, kịp thời hơn. Còn đối với Trung tâm Khuyến nông sau khi được sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đã nhanh chóng ổn định hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ông Lê Cẩm Long, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Điểm khác biệt sau sáp nhập là ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ của Trung tâm cũng luôn sẵn sàng đến tận nơi để tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như: Sản xuất chè theo hướng hữu cơ; trồng hoa, rau an toàn trong nhà lưới…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Việc bàn giao Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật về các huyện, thành, thị để sáp nhập với Trạm Khuyến nông thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị dẫn đến ngành thú y chỉ còn 2 cấp là trung ương và cấp tỉnh, trong khi theo Luật Thú y cần có 4 cấp, từ trung ương đến cấp xã, phường. Do vậy, việc kiểm soát giết mổ động vật và quản lý phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn…
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sau sáp nhập của các đơn vị trực thuộc ngành theo đúng mục đích, nội dung được các nghị quyết của Trung ương đề ra, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Hiện nay, Sở đang xây dựng báo cáo đánh giá và đề xuất về tổ chức ngành Nông nghiệp - PTNT, trong đó, tập trung đánh giá về hiện trạng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực Nông nghiệp - PTNT cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật hiện hành. Dự kiến trong thời gian tới, căn cứ các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, Sở tiếp tục rà soát, tổ chức lại bộ máy bên trong của các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp…