Sức sống một làng chè

10:55, 29/12/2020

Kể từ Festivall Trà quốc tế  Thái Nguyên - Việt Nam năm 2011, các làng chè Thái Nguyên mới chú tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bởi thế chè Thái Nguyên đã dành được không ít giải thưởng danh giá mang tầm thế giới. Nhưng một bất ngờ là Ban Tổ chức Hội nghị APEC Việt Nam tháng 11-2017 đã lựa chọn sản phẩm chè của Hợp tác xã Tuyết Hương (HTX), xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.

Nghiễm nhiên chè Tuyết Hương trở thành câu chuyện bên bàn trà. Không ít người đã “truy xuất”, tìm về đồi đất Na Long để tận mắt “mục sở thị”, nhân đó thưởng ẩm thứ trà đặc sản biếu tặng các nguyên thủ quốc gia. Dù đã nhiều lần bước lên bục danh dự tại các hội thi, hội nghị biểu dương để nhận phần thưởng, nhưng chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX vẫn giữ được cái chất đặc sệt của dân xứ chè: Mộc mạc, hồn hậu, dễ mến. Chị tự hào: Toàn bộ các sản phẩm chè của HTX đều thể hiện được sự thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe, tinh thần cho người thưởng ẩm. Đó là lý do nhiều người sành trà, hiểu trà lựa chọn mua sản phẩm của HTX. Và hiện hàng chục loại sản phẩm của HTX được bày bán tại một số các đại lý, cửa hàng bao tiêu lớn ở Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh.

Năm 2012, chè vào chính vụ, cũng là thời điểm HTX Tuyết Hương được thành lập, gồm 9 hộ thành viên, với 900 triệu đồng vốn điều lệ. Ngay từ năm đầu khởi sự với đầy khó khăn về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, nhà xưởng chế biến, nhưng chị Tuyết đã cùng các thành viên chèo chống, mở rộng thị phần, khẳng định chỗ đứng cho sản phẩm trên thương trường. Nên chưa đầy 9 năm thành lập, tại không gian trưng bày sản phẩm chè của HTX đã treo rất nhiều các bằng khen, giấy chứng nhận. Điển hình là: Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho HTX vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh chè, góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2011-2013, các chứng nhận: Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc; năm 2017, Bộ Công Thương cấp Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia; đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019...

Hiện nay, HTX đã có 13 hồ thành viên với 15ha chè nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 150 tấn/năm. Tương đương với 30 tấn chè búp thành phẩm. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 600 triệu đồng so với năm 2019; nộp ngân sách Nhà nước 40 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2019; thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 500.000 đồng/người/tháng so với năm 2019… Điều gì khiến HTX khẳng định được vị trí của mình trên thương trường nhanh chóng như vậy? Mỗi lần có ai hỏi như thế, chị Tuyết đều trả lời: Chúng tôi có một tập thể đoàn kết, có lòng tin vào nhau. Niềm tin ấy được gửi gắm vào sản phẩm, nên toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói đều thể hiện được tính hướng thiện và thân thiện với môi trường. HTX thực hiện 4 không: Không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc kích thích và không sử dụng thuốc bảo quản sản phẩm.

Tôi chắc chắn đó không phải lời quảng bá của nữ giám đốc trẻ. Bởi người tiêu dùng thông minh không bao giờ bỏ tiền mua một sản phấm chất lượng kém. Và Tuyết Hương đã đứng vững giữa thương trường nghiệt ngã bằng chất lượng sản phẩm. Chưa dừng lại, Tuyết Hương đang hướng đến việc có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.