So với các địa phương khác, các xã đặc biệt khó khăn (xã 135) có nhiều khó khăn hơn trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) như: Kết cấu hạ tầng còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, số tiêu chí đã đạt thấp... Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các xã 135 trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn NTM.
Trong giai đoạn 2014-2020, tỉnh Thái Nguyên có 103/143 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại hiện nay đều đạt trên 10 tiêu chí. Trong đó có 74/113 xã đạt chuẩn NTM thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có 26/63 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.. |
Giai đoạn 2017-2020, Phú Đô là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM xã chỉ mới đạt 5 trong tổng số 19 tiêu chí, gồm: điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm và quốc phòng - an ninh. Ông Lý Văn Sình, xóm Na Sàng nhớ lại: Những năm 2011 trở về trước đường giao thông ở xóm tôi cũng như các xóm khác chủ yếu là đường đất, hôm nào trời mưa gần như không thể đi lại được. Qua đó đã cản trở trong phát triển kinh tế, hàng hoá làm ra chủ yếu phục vụ cho gia đình. Thu nhập bình quân cũng chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/người/năm.
Với quyết tâm xây dựng NTM, đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chung sức, đồng lòng. Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Là một xã đặc biệt khó khăn vì thế xã đã xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Để làm được điều này, xã đã phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, chè, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân. Giai đoạn 2011-2018, đã có 4.500 lượt hộ nông dân được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, 435 lao động nông thôn được tham gia các lớp sơ cấp nghề về kỹ thuật xây dựng, hàn, nấu ăn, trồng và chế biến chè an toàn. Đồng thời, tận dụng thế mạnh địa phương, xã đã quy hoạch 350 ha chè và vận động bà con sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm chè. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, năm 2019 thu nhập bình quân của người dân đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 8% (năm 2010 là trên 27%).
Kinh tế phát triển, xã Phú Đô có điều kiện huy động người dân đóng góp xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến 2019, nhân dân trong xã đã hiến trên 27.000m2 đất và đóng góp 7,6 tỷ đồng xây dựng 32,76 km đường bê tông nông thôn, xây dựng và sửa chữa 11 nhà văn hóa xóm... Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, cuối năm 2018, xã Phú Đô được công nhận đạt chuẩn NTM.
Còn tại xã đặc biệt khó khăn Dân Tiến thuộc huyện vùng cao Võ Nhai, khi bắt tay vào xây dựng NTM, địa phương này mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí NTM. Thời điểm đó, Dân Tiến là một xã thuần nông đặc biệt khó khăn, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, đường sá đi lại khó khăn... Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng cả hệ thống chính trị, xã đã chủ động thu hút, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các tiêu chí. Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Địa phương đã triển khai có hiệu quả các dự án, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Chương trình 135, Đề án 2037, Quyết định 2085... Trong đó, nổi bật là vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với trên 10ha (chủ yếu là na, nhãn, bưởi); xây dựng được cánh đồng lúa một giống với quy mô 100ha... Đặc biệt khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty, nhà máy. Nhờ vậy, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%... Với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân tháng 3-2020, xã Dân Tiến vinh dự đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Hiện nay, toàn tỉnh có 26/63 xã 135 theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020 đạt chuẩn NTM. Trong đó, huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên có 100% số xã đặc biệt khó khăn đều đã đạt chuẩn NTM. Để có được kết quả đó, tỉnh Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác dân tộc có nhiều đổi mới, các chương trình, chính sách của Trung ương, lồng ghép với các chính sách đặc thù của địa phương được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo công khai, minh bạch. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động được trên 6.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ các nguồn lực này, hàng trăm công trình giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong những năm qua tỉnh và các huyện, thị xã đã tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, với mức phân bổ nguồn lực cao hơn so với các xã còn lại. Đặc biệt, các xã đã vận dụng có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương và địa phương.
Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Nổi bật trong số các dự án, hạng mục đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn là Chương trình 135. Đây là chương trình đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp cải thiện đời sống cho đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn, góp phần xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn thực hiện Chương trình là 554 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 445 dự án; nhân rộng 57 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng 414 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 184 công trình ...