Thực hiện Đề án trồng rừng thay thế nương rẫy theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có nhiều hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh tự nguyện đăng ký trồng rừng thay thế nương rẫy. Qua đó không chỉ góp phần tăng độ che phủ của rừng mà còn tạo thêm việc làm, từng bước cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghị định số 75/2015/NĐ-CP được áp dụng đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Thái Nguyên có 63 xã khu vực II và 36 xã khu vực III, trong đó, có 42 xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Các gia đình trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ sẽ được hỗ trợ từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với các trường hợp trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Ngoài mức hỗ trợ trên, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng còn được trợ cấp 15kg gạo/người/tháng hoặc bằng số tiền tương ứng trong thời gian chưa tự túc được lương thực, nhưng không quá 7 năm. Nhờ thực hiện chính sách này nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có việc làm, từng bước cải thiện đời sống, góp phần vào công tác giảm nghèo.
Tổ dân phố (TDP) Hùng Sơn, thị trấn Đình Cả có 45 hộ với 195 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 90% và là TDP đặc biệt khó khăn. Mặc dù là địa bàn thị trấn nhưng TDP có diện tích đất lâm nghiệp lớn với trên 35 ha rừng sản xuất. Thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP, năm 2017, TDP có 4 hộ là đồng bào dân tộc Dao, thuộc diện hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất theo Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sản xuất huyện Võ Nhai. Trong 2 năm 2017 và 2018), các hộ dân đã trồng rừng thay thế nương rẫy được 3,6ha và được hỗ trợ hơn 4 tấn gạo. Đơn cử như hộ ông Lý Tài Lâm, năm 2017, đã chuyển 0,6ha đất nương rẫy sang trồng cây keo. Ông Lâm cho biết: Sau khi chuyển sang trồng rừng gia đình tôi được hỗ trợ mua giống, phân bón và 15kg gạo/người/tháng, góp phần giải quyết được lương thực cho 4 nhân khẩu trong gia đình. Không phải lo nguồn lương thực, tôi đã tập trung phát triển 7 sào chè và đi làm thuê theo thời vụ, qua đó cuộc sống cũng dần được nâng lên, năm 2020 gia đình tôi đã thoát nghèo. Cùng với ông Lâm, 3 hộ dân tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy của TDP Hùng Sơn cũng đã thoát nghèo. Hiện TDP chỉ còn lại 5 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Cũng giống như TDP Hùng Sơn, trong 3 năm (năm 2016, 2017, 2018) các địa phương trên địa bàn tỉnh đã trồng rừng thay thế nương rẫy được 1.377ha với 1.560 lượt hộ gia đình tham gia, tổng số gạo được trợ cấp là 1.127 tấn. Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để chính sách được triển khai đảm bảo đúng đối tượng, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân trên địa bàn việc trồng rừng thay thế nương rẫy, quyền và nghĩa vụ của người tham gia để người dân tự nguyện tham gia đăng ký trồng rừng. Đồng thời phối hợp với các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành, thị rà soát các hộ nghèo tham gia trồng rừng thuộc Nghị định 75/NĐ-CP để lập danh sách và số lượng gạo để cấp cho các hộ. Việc cấp phát gạo đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình hỗ trợ theo quy định, không có sự trùng lặp. Việc triển khai thực hiện chính sách đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại những xóm, bản đặc biệt khó khăn, người dân đã quan tâm và chú trọng hơn về phát triển kinh tế từ rừng. Cùng với đó nhiều diện tích đất lâm nghiệp được che phủ, hạn chế được tối đa các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái phép.