Sớm xử lý vấn đề ô nhiễm do chăn nuôi

09:29, 24/03/2021

Những năm gần đây, hình thức chăn nuôi theo trang trại, gia trại phát triển mạnh đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh. Để giải quyết tình trạng đó, Luật Chăn nuôi năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định số 14 của Chính phủ ngày 1/3/2021 là tiền đề quan trọng để cơ quan chức năng quản lý, xử lý hiệu quả hơn vấn đề này.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, với tổng quy mô khoảng 15,6 triệu con/năm. Trong đó, gia cầm là gần 14,9 triệu con, lợn khoảng hơn 600 nghìn con. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lượng chất thải trong chăn nuôi phát sinh ra môi trường là gần 1,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nhiều gia trại, trang trại chưa quan tâm đến vế đề xử lý chất thải nên để xảy ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cư dân xung quanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chế tài xử lý chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đủ sức răn đe nên công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 50 trang trại chăn nuôi lợn, với quy mô từ 300 - 4.000 con/lứa. Phần lớn là trang trại được hình thành từ việc chăn nuôi theo hộ cá thể rồi mở rộng quy mô, số lượng nên việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa đảm bảo. Thời gian qua, huyện Đại Từ đang hướng tới thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu chăn nuôi tập trung, chỉ có như vậy thì công nghệ xử lý chất thải mới được đầu tư bài bản, đáp ứng được theo quy chuẩn.

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Không chỉ riêng huyện Đại Từ mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng khá phổ biến. Trước khi có Luật Chăn nuôi năm 2018, quy định về chăn nuôi chỉ là các văn bản dưới luật với nội dung chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giống và thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong vấn đề xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2018, Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và ngày 1/3/2021, Nghị định số 14/NĐ-CP của Thủ tướng quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi được ban hành đã tạo tiền đề cho cơ quan chức năng xử lý tốt hơn trong vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bà Lê Thị Quỳnh Hương cho biết thêm: Luật Chăn nuôi năm 2018 rất bao quát, chi tiết, cụ thể, quy định chăn nuôi phải đủ các điều kiện về khu vực, hệ thống xử lý chất thải và được cấp phép (đối với trang trại, gia trại) và theo hộ gia đình phải kê khai với UBND cấp xã. Luật cũng dành 1 chương, với 12 điều, quy định về điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải. Ngoài ra, Nghị định số 14 cũng có 4 điều, quy định cụ thể về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng trường hợp vi phạm. Nghị định cũng quy định việc thu hồi Giấy phép chăn nuôi trong một số trường hợp.

Đối với Thái Nguyên, trên cơ sở Luật Chăn nuôi và các thông tư hướng dẫn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Nghị quyết số 12 cũng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, hạn chế tối đa những ảnh hưởng của hoạt động này đến đời sống của người dân. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương rà soát để trình UBND tỉnh những khu vực cấm chăn nuôi và lên phương án di dời.

Có thể thấy, trên cơ sở Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn, công tác quản lý hoạt động chăn nuôi của cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.