Là "vựa lúa" lớn của tỉnh, vụ xuân năm nay, huyện Phú Bình có kế hoạch gieo cấy 4.663ha lúa (giảm gần 80ha so với vụ xuân năm 2022), phấn đấu năng suất bình quân đạt 55,5 tạ/ha, sản lượng đạt gần 26.000 tấn. Để vụ xuân giành thắng lợi, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo khung thời vụ và cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Người dân xã Nga My (Phú Bình) chăm sóc mạ, chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. |
Theo bà Đinh Thị Ngân, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình: Vụ xuân năm nay, chúng tôi tham mưu với UBND huyện tăng diện tích sản xuất lúa tập trung lên 1.500ha, tăng khoảng 500ha so với vụ xuân năm 2022. Diện tích gieo cấy tập trung chủ yếu tại các xã Tân Đức, Nhã Lộng, Xuân Phương, Nga My, Dương Thành, Thanh Ninh…. với các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền để bà con tích cực đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo của địa phương.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Bình đang tiến hành làm đất, gieo mạ, che phủ nilon để chống rét cho mạ và ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh hại.
Ông Dương Phú Cường, Trưởng xóm Ngoài, xã Xuân Phương, cho hay: Vụ xuân những năm trước, bà con trong xóm thường cấy nhiều giống lúa, ở những thời điểm khác nhau. Do đó, sâu bệnh phát triển mạnh, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng. Vụ xuân năm nay, cán bộ nông nghiệp xã đã tuyên truyền đến tất cả các hộ dân cấy duy nhất giống lúa J02 - giống lúa cho năng suất, chất lượng gạo ngon - trên cánh đồng sản xuất lúa tập trung rộng 23ha của xóm. Bà con ai nấy đều đồng tình thực hiện.
Cùng với triển khai mô hình cánh đồng một giống, ở vụ xuân này, nhiều giống lúa lai như SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, BTE1, Syn98, HKT99… và các giống lúa thuần chất lượng như J02, TBR25, BQ, Thiên ưu 8, TH8, HD11, Sumo… cũng được huyện Phú Bình khuyến khích bà con đưa vào sản xuất để nâng cao giá trị, thu nhập. Những năm gần đây, diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 50% trên tổng diện tích lúa vụ xuân của huyện Phú Binh.
Bà Trần Thị Thái, ở xóm Dinh, xã Nga My, chia sẻ: Bởi diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do Nhà nước thu hồi đất để phục vụ các dự án, nên gia đình tôi đã chuyển sang cấy giống lúa TH3-7, thay thế cho giống Khang Dân trước đây. Đây là vụ đầu tiên tôi cấy giống lúa này trên diện tích 5 sào của gia đình nhưng theo chia sẻ của các hộ xung quanh, TH3-7 phù hợp với đồng đất ở xóm, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, huyện Phú Bình còn khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2022, địa phương đã thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa gạo liên kết theo chuỗi tại các xã Dương Thành, Xuân Phương, Tân Khánh, Tân Đức và Úc Kỳ. Các mô hình liên kết này được triển khai đồng bộ, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, với tổng diện tích 1.000ha.
Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ gạo và một số sản phẩm từ gạo cho các giống lúa đặc sản đã xây dựng được thương hiệu như: J02, nếp Thầu Dầu…; triển khai mô hình giống lúa thuần chất lượng cao Dự hương 8 tại xã Thanh Ninh với diện tích 10ha; hỗ trợ vùng sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng tập trung từ nguồn ngân sách huyện theo quy định; tăng cường quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp; có phương án quản lý, điều hành nước tưới, tiêu hợp lý, kịp thời…
Với những giải pháp mới trong sản xuất, bà con nông dân huyện Phú Bình hy vọng rằng vụ xuân năm nay sẽ tiếp tục là một mùa vàng bội thu.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, vụ xuân thường diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, bà con cần làm mạ bằng phương pháp che phủ nilon để chống rét; không gieo mạ, cấy hoặc gieo thẳng trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin