Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, chọn mua con giống tốt để tái đàn. Tuy nhiên, đây là thời điểm chuyển mùa, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tập trung phòng, chống dịch bệnh và tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi xuất bán nốt lứa gà thịt cho khách, gia đình anh Lương Văn Long, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ), sẽ bắt tay vào dọn dẹp chuồng trại để nuôi lứa mới. |
Sau khi xuất bán đàn gà hơn 2.000 con, qua Tết Nguyên đán, gia đình anh Nghiêm Văn Tuân, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã thu dọn khu vực chăn nuôi sạch sẽ, xử lý chất thải theo đúng quy định; đồng thời rắc vôi bột, phun thuốc khử độc và để trống chuồng 15 ngày.
Anh Tuân chia sẻ: Nhà tôi vừa mới vào đàn gà lứa mới được 2 ngày. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tôi không cho người lạ ra vào chuồng trại, con giống cũng được chọn mua ở cơ sở có uy tín. Do gà còn nhỏ nên nhà tôi vẫn sử dụng bóng điện để úm gà trong 1 tháng đầu. Ngoài ra, tôi cũng tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gà để phòng chống dịch bệnh, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho vật nuôi.
Không chỉ riêng gia đình anh Tuân, thời điểm này, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống vào vụ nuôi mới nhằm duy trì sản xuất và bảo đảm nguồn cung thực phẩm ra thị trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, 750 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 13 công ty liên doanh chăn nuôi gia công chuỗi thịt lợn, gà (gia công với 326 trại gà, 90 trại lợn).
Ngoài ra, Thái Nguyên có trên 20 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà an toàn tại các chợ, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, chất lượng đàn gia súc, gia cầm đã được nâng cao; tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 75% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 65% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 85% tổng đàn.
Năm 2023, dự báo ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay, là điều kiện để các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh, lây lan.
Do vậy, cùng với việc tăng cường quản lý chất lượng tại 168 cơ sở sản xuất giống gia cầm, giống lợn, ngành Nông nghiệp cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; phấn đấu đạt 80% tổng đàn. Từ đó góp phần khống chế không để một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, duy trì và phát triển sản xuất chăn nuôi.
Năm nay, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 4,12% so với năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 161.000 tấn (trong đó, thịt lợn 90.000 tấn; thịt gà 60.000 tấn; thịt bò 6.100 tấn; thịt trâu 4.900 tấn).
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con, trước khi thực hiện tái đàn cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất; không tái đàn, tăng đàn ồ ạt. Việc tái đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa quan trọng trong duy trì hoạt động sản xuất và chủ động nguồn cung thực phẩm ra thị trường.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, cùng với việc chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín, người chăn nuôi nên chú trọng thực hiện các biện pháp như: Cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa hắt; cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng.
Đối với gia súc, gia cầm còn non, bà con cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Đặc biệt, người dân phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường, như: Sốt cao, bỏ ăn, khó thở... phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly để kiểm tra, theo dõi, điều trị; đồng thời báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp, không để lây lan dịch bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin