Khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, bà con chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Nhờ trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh Hoàng Công Chức và chị Phùng Thị Hưởng, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ) có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. |
Đến thăm khu vực sản xuất của gia đình anh Hoàng Công Chức, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ), chúng tôi rất ấn tượng bởi vườn tược được chỉnh trang đẹp mắt, khoa học. Với diện tích vườn hơn 1ha, từ năm 2009, gia đình anh Chức đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (như bưởi diễn, cam canh, nhãn...) và nuôi ong lấy mật, thay thế cho cây ngô, sắn từng được trồng nhiều những năm trước đó.
Anh Chức chia sẻ: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ quá trình chăm sóc cây, từ khâu trồng, bón phân, phun thuốc trừ sâu sinh học đến thu hoạch đều được gia đình tôi ghi chép nhật ký. Mặc dù quy trình chăm sóc khắt khe hơn nhưng tôi nhận thấy cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống. Giá bán cũng cao hơn thị trường khoảng 20%. Hiện nay, vườn cây ăn quả của nhà tôi có thương lái tìm đến thu mua, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Không riêng gia đình anh Chức, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả theo hướng tập trung. Để tạo được uy tín với người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị của nông sản, các địa phương cùng ngành chức năng đã khuyến khích bà con áp dụng sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 6.000ha cây trồng đã được chứng nhận VietGAP và hữu cơ. Trong đó có 117ha lúa; gần 200ha rau; 4.367ha chè và 967ha cây ăn quả. Ngoài ra, Thái Nguyên hiện có 36 vùng sản xuất được gắn mã vùng trồng đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn 744:2020/BVTV, với tổng diện tích 286,8ha (trong đó có 28 mã vùng trồng chè, 5 vùng trồng lúa, 1 vùng trồng na, 1 vùng trồng bưởi và 1 vùng trồng măng tre Lục Trúc).
Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu nông sản mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Và thực tế đã chứng minh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường.
Tuy nhiên, so với những tiềm năng hiện có, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng diện tích cây trồng của tỉnh.
Nhằm khuyến khích mở rộng diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang hỗ trợ cho các vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết chuỗi; hỗ trợ nhà lưới, nhà màng ở các vùng trồng rau, hoa; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa, an toàn, chất lượng.
Cùng với đó, Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh, như: chè, na, nhãn, bưởi… Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân; đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn. Qua đó, từng bước mở rộng diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP, hữu cơ trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin