Những năm gần đây, tại một số vùng trồng cây ăn quả trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng cây không đậu quả, khiến người nông dân thất thu. Mặt khác, có những vùng sản xuất được mùa thì giá bán lại thấp và khó tiêu thụ. Thực trạng này khiến nhiều hộ nông dân trăn trở: Làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả?
Gia đình ông Nguyễn Xuân Bình, ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) đã phá bỏ gần như toàn bộ vườn nhãn để chuyển sang trồng chuối tiêu hồng. |
Nhãn là loại cây trồng đã gắn bó với người dân xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) từ nhiều năm nay, với tổng diện tích khoảng 80ha. Vào thời điểm được giá, với giá bán 30.000-40.000 đồng/kg, nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà con rất phấn khởi và theo thời gian, toàn bộ diện tích đất đồi bãi, đất vườn tạp ở Khe Đù đều được "phủ xanh" bởi cây nhãn.
Nhưng từ 3 năm trở lại đây, cây nhãn ở đây lại không đậu quả. Thất thu trong một thời gian dài, nhiều hộ băn khoăn không biết nên giữ hay chặt bỏ vườn nhãn để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Xuân Bình, một hộ dân trong xóm, bùi ngùi: 3 năm trở lại đây, vườn nhãn của nhà tôi không đậu quả do gặp thời tiết mưa kéo dài lúc ra hoa, khiến thu nhập của gia đình bị giảm sút. Dù rất tiếc nhưng tôi đã chặt bỏ gần 1ha nhãn, chỉ để lại vài cây quanh nhà, và chuyển sang trồng chuối tiêu hồng. Tôi hy vọng cây chuối sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Không riêng gia đình ông Bình, nhiều hộ dân ở xóm Khe Đù cũng đã chuyển đổi từ nhãn sang trồng chuối tiêu hồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, cho biết: Địa phương xác định xây dựng các xóm Khe Đù, Khe Lánh và Quân Xóm là vùng trồng cây ăn quả tập trung, hướng tới phát triển mô hình sản xuất kết hợp với du lịch sinh thái. Vì vậy, chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con duy trì và cải tạo diện tích cây ăn quả chứ không nên thay thế toàn bộ. Bởi, để những cây nhãn cho trái ngọt, bà con phải mất ít nhất 5 năm chăm sóc. Còn về việc người dân phản ánh tình trạng nhãn không đậu quả, chúng tôi cũng đã có ý kiến với lãnh đạo TP. Phổ Yên và cơ quan chuyên môn về kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước không ghi nhận điều gì bất thường. Vụ nhãn năm nay, cả bà con và cơ quan chuyên môn vẫn đang theo dõi từng ngày. Tuy vậy, nếu nhãn tiếp tục thất thu thì sẽ rất khó vận động bà con giữ lại cây trồng này...
Tình trạng cây không đậu quả hoặc năng suất kém cũng diễn ra tại một số hộ trồng bưởi ở xã Tràng Xá (Võ Nhai). Từ năm 2020 đến nay, vườn bưởi của bà con ở một số xóm như Lò Gạch, Thắng Lợi, Hợp Nhất… bị giảm 50-70% sản lượng.
Ông Hà Văn Tuyên, Trưởng xóm Lò Gạch, chia sẻ: Do 3 năm liên tiếp bưởi mất mùa nên nhiều hộ trong xóm bị ảnh hưởng về thu nhập và đời sống. Hiện nay, bà con đã trồng xen kẽ ngô, nhãn, ổi trong vườn bưởi để có thêm thu nhập.
Năm 2022, toàn bộ 300 cây bưởi Diễn của gia đình ông Lương Đình Trường, ở xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đều phát triển tốt, cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, nhưng tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 30%. Ảnh: T.L |
Ngoài việc cây trồng không đậu quả do những tác động bất lợi của thời tiết thì một thực trạng khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất là tình trạng "được mùa - mất giá" khiến nhiều hộ nông dân không có lãi.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng xóm Mỏ Đinh, xã Tràng Xá (Võ Nhai), cho biết: Năm 2022, giá bán bưởi tại vườn chỉ khoảng 2.000-5.000 đồng/quả, nhiều hộ không đủ chi phí công chăm sóc, thu hái. Bởi vậy, nhiều hộ trong xóm đã phá bỏ diện tích bưởi mới trồng 1-2 năm và quay trở lại trồng cây ngô. Tương tự, đối với cây nhãn, vào thời điểm chính vụ, giá nhãn tại vườn chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón và chi phí sản xuất đều tăng cao, khiến bà con không còn mặn mà với loại cây trồng này.
Từ thực tế cho thấy, những năm gần đây, giá bán các sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh (như nhãn, bưởi…) đã giảm dần theo từng năm. Nhiều hộ nông dân phải ngậm ngùi chấp nhận bán với giá rẻ và khó tiêu thụ.
Phải khẳng định rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây ăn quả vào trồng trên đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả là phù hợp với chủ trương của tỉnh và ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả còn thiếu tính bền vững; chuyện được mùa, mất giá đang là bài toán lớn đối với người nông dân và cả cơ quan chức năng.
Để giải quyết những khó khăn này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, như: hỗ trợ người dân thực hiện mô hình, dự án phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP; hỗ trợ thiết bị tưới tiết kiệm; hỗ trợ vốn vay… Tuy nhiên, ở khâu quan trọng nhất là đầu ra thì người nông dân vẫn phải “tự bơi”.
Trước thực trạng trên, nhiều hộ nông dân nêu ý kiến, ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên rà soát lại hiệu quả sản xuất, nhằm có những định hướng canh tác phù hợp cho từng khu vực, từ đó giúp phát huy lợi thế của từng vùng. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đầu tư chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Về phía người nông dân, thay vì đồng loạt trồng một vài loại cây ăn quả theo nhu cầu thị trường ở từng thời điểm nhất định, sau đó lại chặt bỏ để "chạy theo" các loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, bà con được khuyến cáo nên sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao và thương hiệu bền vững để phát triển ổn định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin