Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt liên tục duy trì ở mức cao, từ 36-38 độ C. Đợt nắng nóng này không chỉ tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình trên, bà con nông dân trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi, duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Nắng nóng gay gắt khiến một số diện tích hành lá của bà con nông dân ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) bị vàng lá. |
Đợt nắng nóng diễn ra vào đúng lứa thu hoạch chè nên gia đình bà Nguyễn Thị Ngà, ở xóm Đầu Cầu, xã Phú Thịnh (Đại Từ) đã tranh thủ thu hái từ lúc sáng sớm trong ngày. Bà Ngà cho biết: Cây chè đến lứa nên chúng tôi phải thu hái, nếu không chè sẽ bị ban, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại rau màu, nhất là rau ăn lá, rau gia vị. Ông Vũ Ngọc Quản, một hộ dân trồng rau ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Nắng nóng nên ngày nào nhà tôi cũng phải tưới rau 2 lần, vào lúc sáng sớm và chiều tối. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát. Tuy vậy, diện tích hành và rau cải vẫn bị héo, táp lá.
Đối với các hộ trồng cây ăn quả như: bưởi, cam…, ngoài tưới nước đầy đủ, bà con còn tiến hành bọc vỏ quả để hạn chế tình trạng rám nắng, ảnh hưởng đến chất lượng.
Ngoài những tác động tiêu cực tới lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng gây ảnh hưởng nhất định tới ngành Chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả.
Cụ thể, nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết gia súc, gia cầm nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Anh Đinh Quang Dũng, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) bổ sung chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn cho đàn trâu trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thu Huyền |
Vì vậy, tăng cường che chắn, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ thức ăn, nước uống, tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh… là những biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Còn ở các trang trại chăn nuôi khép kín, những ngày nhiệt độ cao, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất; đồng thời, chủ trang trại chuẩn bị dự phòng máy phát điện để sẵn sàng sử dụng khi có nhu cầu.
Anh Đỗ Minh Tú, chủ trang trại gà ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), nói: Trong những ngày trời nắng gay gắt, nhà tôi bơm nước lên làm mát mái chuồng trại để hạ nhiệt độ và bổ sung vitamin C, chất điện giải để đàn gà giải nhiệt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giảm bớt được phần nào tác động của nắng nóng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Chăn nuôi, bởi chi phí sẽ tăng cao và tốc độ tăng trọng lượng của đàn vật nuôi bị chậm lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, cho biết: Để chủ động phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh, Chi cục đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng, ban chuyên môn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó với nắng nóng và biến động bất thường của thời tiết. Theo đó, bà con cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; thường xuyên thu gom, vận chuyển phân và các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi; giảm mật độ nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi; tăng cường che chắn, làm mát và đảm bảo độ thông thoáng của chuồng nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đủ chất và lượng...
Cùng với đó, các địa phương thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý giám sát chặt chẽ dịch tễ tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ phát dịch cao để chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi; tai xanh ở lợn; lở mồm long móng gia súc; viêm da nổi cục ở trâu, bò; cúm gia cầm…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Thái Nguyên: Trong năm 2023, thời tiết nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8. Dự báo, các đợt nắng nóng có thể kéo dài đến 7 ngày, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 37-38 độ C, có nơi cao ở mức 40-42 độ C. Những đợt nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, cùng với đó tình hình thời tiết cực đoan như mưa rào và dông cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nắng nóng gay gắt chưa gây thiệt hại gì đáng kể đối với sản xuất nông nghiệp nhưng cũng đã khiến bà con nông dân phải chật vật ứng phó. Để đảm bảo công việc thường nhật giữa thời tiết nắng nóng, bà con được khuyến cáo nên sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, tranh thủ buổi sáng sớm và chiều mát hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc ngoài trời dưới nền nhiệt độ cao, bà con cần trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp và nên bổ sung nước uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng bị say nắng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin