Thời gian qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Qua đó góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, hướng đến phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả.
HTX chè La Bằng (Đại Từ) hiện đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 100 hộ dân địa phương, với tổng diện tích 30ha chè. |
Xác định xây dựng và phát triển liên kết chuỗi là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay, huyện Đại Từ đã triển khai 13 dự án liên kết sản xuất, với tổng kinh phí trên 13,3 tỷ đồng.
Trong số đó có thể kể tên một số dự án mang lại hiệu quả thiết thực như: Liên kết sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ kết hợp du lịch cộng đồng tại xã La Bằng; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trấn Hùng Sơn; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ tại xã Phú Thịnh…
Các dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nông dân. Ngoài ra, sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi liên kết bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng (Đại Từ), thông tin: HTX đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với quy mô 30ha, ký kết hợp đồng liên kết với hơn 100 hộ dân. Chúng tôi đã phối hợp với đơn vị chuyên môn mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho các thành viên về chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và hỗ trợ bao bì, tem, nhãn mác, xây dụng website quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện, HTX có trên 20 đại lý phân phối trà trong nước. Doanh thu của HTX năm 2022 đạt 5,7 tỷ đồng và dự ước năm 2023 đạt 6,5 tỷ đồng.
Để hoạt động liên kết sản xuất đi vào thực chất, có chiều sâu, các sở, ngành của tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ vốn vay cho 17 HTX tham gia dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi, với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Các HTX sau khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ một số HTX xây dựng mô hình điểm về sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, với tổng số tiền 2,21 tỷ đồng, như: HTX chè Tân Hương (TP. Thái Nguyên), HTX gà đồi Đông Thịnh (Phú Bình), HTX nông sản an toàn Liên Minh (Võ Nhai); HTX chè Nhật Thức (Đại Từ)…
Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất theo chuỗi tại HTX đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Mô hình trồng, tiêu thụ nho Hạ Đen theo chuỗi liên kết tại xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên). |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh triển khai thực hiện 88 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với kinh phí hỗ trợ trên 54,4 tỷ đồng; lĩnh vực chăn nuôi triển khai 25 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng.
Được sự “tiếp sức” của Nhà nước, ngày càng có nhiều chủ thể sản xuất tham gia xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Trong đó có thể kể tên một số đơn vị tiêu biểu như: HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), HTX chè an toàn Khe Cốc (Phú Lương), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Đại Từ), HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ)…
Việc ban hành và triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 15.260 tỷ đồng (tăng 2.260 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp trồng trọt đạt bình quân 123,2 triệu đồng/ha (tăng 28,2 triệu đồng/ha so với năm 2018).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ; vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; vùng trồng cây quế tập trung... Từ đó góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó, thông qua các chuỗi liên kết, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đây chính là nền móng vững chắc để sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững trong tương lai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin