Nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất lúa

Vũ Công 09:03, 31/10/2023

Mượn ruộng đất của các hộ dân để tạo vùng sản xuất quy mô lớn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm -  đây là cách Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa (HTX Minh Hòa), xã Thanh Ninh (Phú Bình) đang triển khai và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Người dân xóm Nam Hương 3, xã Thanh Ninh (Phú Bình) kiểm tra ruộng lúa nếp cái hoa vàng (liên kết sản xuất với HTX Minh Hòa).
Người dân xóm Nam Hương 3, xã Thanh Ninh (Phú Bình) kiểm tra ruộng lúa nếp cái hoa vàng (liên kết sản xuất với HTX Minh Hòa).

Mặc dù tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác trên địa bàn tỉnh mới xảy ra rải rác ở một số nơi, nhưng tại nhiều địa phương lại khá phổ biến tình trạng người dân không cấy lúa mà cho các hộ khác mượn lại ruộng để canh tác. Đặc biệt là những địa phương gần các khu công nghiệp.

Với mong muốn xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, năm 2022, anh Đào Xuân Hòa, ở xã Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã đứng ra tập hợp một số hộ dân để thành lập HTX Minh Hòa và đặt trụ sở tại xã Thanh Ninh (Phú Bình). HTX hiện có 24 thành viên, trong đó có 20 thành viên ở xã Thanh Ninh và 4 thành viên ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa. Hoạt động chính của HTX là sản xuất, cung ứng dịch vụ và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp.

Ngay sau khi thành lập, HTX đã phối hợp với địa phương vận động các hộ gia đình có đất trồng lúa trên địa bàn xã Thanh Ninh cho mượn hơn 10ha ruộng. Đồng thời liên kết với các hộ dân tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để sản xuất lúa, ngô, rau màu, với tổng diện tích gần 300 ha.

Anh Đào Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Minh Hòa, chia sẻ: Vụ xuân năm 2023 là vụ lúa đầu tiên của HTX. Với 10ha đất mượn của người dân, chúng tôi đầu tư trồng giống lúa Dự Hương 8. Việc sản xuất được áp dụng theo nguyên tắc “3 cùng” là cùng giống, cùng trà, cùng phương pháp canh tác. HTX cũng liên kết với các cá nhân, HTX khác trong và ngoài tỉnh để đưa các loại máy móc vào sản xuất (như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật...) nhằm giảm bớt chi phí đầu tư mua máy móc, thiết bị.

Nhờ canh tác trên diện tích lớn, áp dụng đồng bộ các biện pháp tiên tiến vào sản xuất, năng suất lúa vụ đầu tiên của HTX đạt 2,7 tạ thóc tươi/sào. Với việc cho HTX Minh Hòa mượn ruộng để sản xuất, bà con nông dân vẫn thu được 150kg thóc tươi/sào/vụ. Bà Dương Thị Thanh, xóm Nam Hương 3, cho hay: Tôi cho HTX Minh Hòa mượn 6 sào ruộng và được trả 150kg thóc tươi/sào. So với tự làm thì thu nhập cao gần gấp đôi, trong khi không mất công chăm sóc, lại có thời gian đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh, cho biết: Những năm gần đây, ở xã đa số chỉ còn lại người trung niên và cao tuổi gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Việc mượn ruộng của HTX Minh Hòa không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn khắc phục tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời có thể hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng trong tương lai.

Chia sẻ về hoạt động của HTX, anh Đào Xuân Hòa cho biết thêm: Do việc mượn, thuê lại ruộng của người dân gặp khó khăn, với nhiều lý do khác nhau mà có hộ đồng ý, hộ lại không, có hộ chỉ cho mượn 1 vụ..., nên từ vụ mùa năm 2023, HTX chuyển sang liên kết với các hộ dân sản xuất hơn 2ha lúa theo hình thức HTX cung ứng giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Dự kiến vụ xuân sắp tới, nếu không mượn được đất, HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân xã Thanh Ninh để gieo cấy từ 50-100ha lúa nếp xoắn và lúa J01.