Trong cơ cấu kinh tế của TP. Thái Nguyên, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và đang giảm dần do diện tích đất bị thu hồi để triển khai các dự án. Thời gian qua, thành phố chú trọng nâng cao giá trị nông sản, trọng tâm là triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cán bộ chuyên môn của TP. Thái Nguyên hướng dẫn gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở xóm Khuôn, xã Phúc Trìu, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ. |
Chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nông dân TP. Thái Nguyên, với tổng dân tích trên 1.500ha, tập trung nhiều tại các xã phía Tây, như: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng… Để nâng cao giá trị cây chè, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Hiện nay, khoảng 80% diện tích của TP. Thái Nguyên đang được sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Đầu năm 2024, anh Nguyễn Văn Tiến, ở xóm Khuôn, xã Phúc Trìu, đăng ký thực hiện sản xuất hữu cơ trên toàn bộ 2,5ha chè của gia đình. Anh Tiến nhận xét: Khi chuyển sang hướng hữu cơ, sử dụng toàn bộ phân vi sinh thay thế cho phân hóa học, cây trồng không bị chững, mà phát triển rất tốt. Năng suất và chất lượng sản phẩm chè tăng cao từ 20-25%; giá bán từ 600-700 nghìn đồng/kg, cao hơn 200-300 nghìn đồng/kg so với trước đây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, thông tin: Là xã thuần nông, đời sống người dân phục thuộc chính vào cây chè. Do đó, việc triển khai các mô hình chăm sóc chè an toàn được bà con rất quan tâm. Nhất là khi các mô hình này được Nhà nước hỗ trợ vật tư, phân bón và khoa học - kỹ thuật. Với tổng diện tích 370ha chè toàn xã, có gần 90% đã sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Trong đó, ½ diện tích được người dân chăm sóc hữu cơ từ 3-4 năm, tập trung nhiều ở các xóm: Phúc Thuần, Phúc Thành, Soi Mít...
Cùng với cây chè, TP. Thái Nguyên còn triển khai các mô hình hữu cơ với cây ăn quả, cây lúa. Đơn cử như vụ đông - xuân vừa qua, thành phố triển khai thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ, với quy mô 24ha, tại 3 xã: Đồng Liên, Linh Sơn và Tân Cương, trên 200 hộ dân tham gia. Giống lúa đưa vào trong mô hình là HD11 và HDT10.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên). |
Qua đánh giá, canh tác theo phương pháp hữu cơ, cây lúa sinh trưởng và phát triển khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh tốt; cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Hiệu quả kinh tế, năng suất cao hơn khoảng 10-15% so với giống đối chứng, chất lượng gạo ngon hơn hẳn.
Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo UBND thành phố, năm 2024, Trung tâm triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ với cây chè (8ha) và cây lúa (24ha). Nếu tính cả các mô hình mà các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai, đã có khoảng 30% diện tích chè của thành phố được chứng nhận và chứng nhận chuyển đổi.
Kết quả cho thấy, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cải thiện rõ rệt cả về năng suất, chất lượng cây trồng và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Trên cơ sở này, Trung tâm sẽ tiếp tục đề xuất nhằm mở rộng hơn nữa quy mô, diện tích nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; gần nhất là vụ mùa này sẽ triển khai mô hình lúa hữu cơ với quy mô 30ha.
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh việc triển khai các mô hình hữu cơ, cơ quan chuyên môn của TP. Thái Nguyên hướng dẫn nông dân tham gia nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, thành phố đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Linh Sơn, với hơn 70ha diện tích trổng ổi; 100ha sản xuất hoa, rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Huống Thượng…
Ngoài ra, thành phố còn ban hành, triển khai các đề án về phát triển cây trồng, như: Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương; bảo tồn giống chè Trung du… Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt. Dự kiến đến hết năm 2024, giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt của TP. Thái Nguyên đạt 170 triệu đồng/ha, tăng gần 52 triệu đồng/ha so với năm 2021.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin