Sau những ngày mưa lũ, tiết trời Thái Nguyên đã bừng nắng trở lại, nhưng hậu quả là khá nặng nề, nhất là đối với cây trồng. Theo thống kê của các địa phương, trận mưa lũ vừa qua đã làm hỏng trên 1.500ha lúa, hoa màu; 15ha chè và hơn 54ha rừng. Hơn lúc nào hết, bà con nông dân cần khẩn trương khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024.
Nhờ được tiêu úng, cánh đồng rau và lúa ở xóm Bến Đò (xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên) đã không còn ngập nước nhưng nguy cơ bị hỏng hoàn toàn là rất lớn. Do đó, bà con nông dân sẽ vệ sinh đồng ruộng để cấy trồng lại cho kịp thời vụ. |
Ngày 4-8, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại vùng sản xuất rau, lúa của người dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), cảm nhận được nỗi buồn và lo lắng của bà con nơi đây. Ông Cao Văn Tuấn, một người dân trong xóm, nói: Hơn 20 năm rồi, nước sông Cầu mới lên cao như vậy. Sau 4, 5 ngày mưa tầm tã, nước từ thượng nguồn đổ về đã nhấn chìm hàng chục héc-ta lúa, rau màu ở xóm. Nước rút đi, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để tiêu úng thật nhanh bằng cách khơi thông dòng chảy. Nhờ đó, nhiều diện tích cây trồng được “cứu” nhưng không ít ruộng lúa, rau màu đã hỏng hoàn toàn, phải trồng lại…
Không chỉ ở Bến Đò, nhiều hộ dân trong tỉnh cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra cho cây trồng. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời, nhất là với những diện tích lúa có điều kiện tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương, hồ đập và giữ nông mặt ruộng đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi khuyến cáo bà con, với diện tích lúa gieo cấy sớm, không bị ngập trắng thì thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2, bón hết lượng phân thúc còn lại. Đồng thời luôn bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh của các đối tượng dịch hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Với diện tích lúa bị ngập 2, 3 ngày, vẫn có khả năng phục hồi, lực lượng khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn nông dân điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước; té nước rửa lá để không bị rong rêu, bùn đất bám trên bề mặt lá, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp. Cùng với đó là tỉa dặm những chỗ lúa chết, mất khoảng bằng cách tỉa san từ các khóm lúa đẻ nhiều dảnh trên ruộng, hoặc mạ cùng giống còn giâm trên chân ruộng cao.
Đối với những vùng lúa trũng ngập nước kéo dài trên 4 ngày không có khả năng phục hồi, nông dân được khuyến cáo khẩn trương bừa san lại ruộng, rút cạn nước và tranh thủ cấy ngay khi còn trong khung thời vụ, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày để gieo cấy. Trường hợp không còn thời vụ gieo cấy, sau khi nước rút thì bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chủ động chuyển đổi sang các loại rau màu phù hợp.
Tương tự với các loại cây màu (ớt, dưa, bí...), cùng với việc khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị hại nặng, bà con đã tháo nước, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
Những chân ruộng bị ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi đã được, bà con phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại. Riêng diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch thì được vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân...
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, bà con đã khẩn trương xẻ rãnh ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng, triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.
Nhằm hỗ trợ cho nông dân, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát mức độ thiệt hại đến trồng trọt (dưới 30%, từ 30-70%, trên 70%) để có giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ người dân theo quy định, giúp bà con kịp thời khôi phục sản xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin