Phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm

Tùng Lâm 08:57, 06/11/2024

Mỗi năm, Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 200 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm. Để nâng cao giá trị, việc phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Sản phẩm chế biến từ các loại thịt gia súc, gia cầm của Thái Nguyên được giới thiệu tại nhiều sự kiện, hội chợ lớn ở trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm chế biến từ các loại thịt gia súc, gia cầm của Thái Nguyên được giới thiệu tại nhiều sự kiện, hội chợ lớn ở trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh chăn nuôi quy mô trang trại

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đang chuyển đổi tích cực với việc phát triển trang trại theo hướng công nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, công nghệ về chuồng trại, dây chuyền thiết bị chăn nuôi; giết mổ, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu cũng được các cơ sở chăn nuôi đặc biệt quan tâm.

Đúng như chia sẻ của ông Hảo, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Thái Nguyên đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp.

Toàn tỉnh đang có 1.255 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, vừa và nhỏ (57 trang trại quy mô lớn; 536 trang trại quy mô vừa; 662 trang trại quy mô nhỏ), tăng 140 trang trại so với cùng kỳ năm 2023. Đáng nói, số lượng vật nuôi của các trang trại chiếm 46% tổng đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao khi tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai đang đạt 76% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 86% tổng đàn…
Chăn nuôi lợn có sử dụng nguyên liệu trà xanh đang khẳng định được hiệu quả ở Thái Nguyên.
Chăn nuôi lợn có sử dụng nguyên liệu trà xanh đang khẳng định được hiệu quả ở Thái Nguyên.

Một số địa phương có số trang trại chăn nuôi tập trung tương đối lớn như: Phú Lương (trên 210), Võ Nhai (65), TP. Sông Công (hơn 120).

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: Hầu hết trang trại đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường…

Có thể khẳng định, từ việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, nhất là các trang trại chăn nuôi công nghiệp đã mở ra cho người dân Thái Nguyên một hướng đi mới để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Huy Luân, Giám đốc Chi nhánh Minh Cầu (TP. Thái Nguyên), cho hay: Siêu thị Minh Cầu ưu tiên bao tiêu sản phẩm cho những trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh, nhất là những trang trại chăn nuôi công nghiệp. Với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hệ thống chuồng trại hiện đại, những trang trại này mới đảm bảo được quy trình sản xuất “sạch” và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Quan tâm chế biến sâu

Cùng với phát triển chăn nuôi trang trại, việc chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi cũng là một trong những lựa chọn của Thái Nguyên. Theo ông Vũ Đức Hảo, việc chế biến sâu không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao giá trị thu được từ sản xuất chăn nuôi.

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình). Dù mới thành lập được hơn 2 năm nhưng HTX đã xây dựng được hướng phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Với quy mô chăn nuôi khoảng 400 con bò 3B thịt, ngoài việc cung cấp thịt thương phẩm, HTX còn đưa ra thị trường các sản phẩm chế biến như: Thịt bò sấy khô, xúc xích bò, xúc xích lợn, giò bò, giò lợn, dăm bông bò, dăm bông lợn, mộc viên bò, mộc viên lợn, chả nướng.

Chị Nguyễn Thị Hòa, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình): Các sản phẩm đã qua chế biến của HTX dễ sử dụng, chất lượng tốt, giúp những người bận rộn tiết kiệm thời gian. Điều khiến chúng tôi yên tâm nhất chính là các sản phẩm của HTX đều được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ tem, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, HTX có 3 sản phẩm là dăm bông bò, dăm bông lợn và khô bò được công nhận OCOP 3 sao.

Thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, hình thức sản xuất liên kết “chuỗi” cũng đang được đẩy mạnh tại Thái Nguyên. Ông Lê Đắc Vinh cho biết thêm: Hiện nay, tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, gia công và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chiếm trên 70%, số còn lại chủ yếu là các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.

Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có trên 50% trang trại liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra của sản phẩm. Ảnh: T.P
Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có trên 50% trang trại liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra của sản phẩm. Ảnh: T.P

Về tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang “chuyển động” theo hướng tích cực. Cùng với tiêu thụ tại 140 chợ truyền thống và một số siêu thị, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã có các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Đây chính là lời giải thích cho việc giá sản phẩm chăn nuôi tại thị trường Thái Nguyên khá ổn định trong 10 tháng qua.

Cụ thể, giá lợn hơi khoảng 65-66 nghìn đồng/kg; gà trắng công nghiệp khoảng 27-30 nghìn đồng/kg; gà lông màu nuôi công nghiệp (80-105 ngày) có giá từ 40-58 nghìn/kg; gà lông màu nuôi thả vườn (120-130 ngày) có giá từ 70 đến 85 nghìn đồng/kg…

Từ đó, lợi thế của địa phương trong phát triển một số loại vật nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (gà đồi Phú Bình, bò Mông ở Văn Lăng, Đồng Hỷ…) được phát huy. Cơ cấu ngành chăn nuôi cũng chuyển dịch theo hướng tích cực khi trong cơ cấu kinh tế nội ngành, chăn nuôi chiếm tới 47,4%, trồng trọt 46,1%, dịch vụ nông nghiệp 6,5%…