Nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu

Tùng Lâm 10:09, 05/12/2024

Hướng đến một nền nông nghiệp xanh, thời gian qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt theo tiêu chuẩn VieGAP, hữu cơ, GlobalGAP. Nhờ đó, sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng nâng cao về năng suất, chất lượng; góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường sản xuất xanh, sạch đẹp.

Hiện nay, HTX chè Hải Yến, xã Phú Thịnh (Đại Từ) đã có 5ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Hiện nay, Hợp tác xã chè Hải Yến, xã Phú Thịnh (Đại Từ) đã có 5ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Khuyến khích sản xuất “sạch”

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho hay: Sản xuất nông nghiệp sạch là hạn chế đối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học. Theo đó, nguồn phân bón cho cây trồng chủ yếu là phấn bón hữu cơ, được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp. Hiệu quả nhất của sản xuất sạch chính là vốn đầu tư thấp hơn nhưng chất lượng, giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn.

Tuy nhiên để nông dân bắt nhịp với sản xuất sạch, hướng đến một nền nông nghiệp xanh lại không hề dễ dàng và cần nhiều thời gian. Do đó, Thái Nguyên đã luôn nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thực hiện các mô hình sản xuất xuất nông nghiệp sạch. Đơn cử như Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, trong giai đoạn 2023-2024, Trung tâm đã triển khai các mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 40ha. Mô hình được đánh giá cao khi không chỉ giúp người dân có phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

Hay như việc triển khai mô hình sản xuất chè theo phương pháp IPHM (bảo vệ sức khỏe cây trồng) của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Saemaul Phú Nam, xã Phú Đô (Phú Lương) cũng góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất chè của người dân. Thay vì sử dụng phân bón vô cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại cho môi trường, sức khỏe con người, IPHM hướng người dân đến sản xuất sạch, an toàn bằng việc đưa phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên đồi chè. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX, sản xuất chè theo phương pháp này mang lại nhiều lợi ích khi không chỉ giúp cải tạo đất, giảm được chi phí đầu vào mà còn giúp năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Thành viên Hợp tác xã Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình), chủ động sản xuất rau xanh theo quy trình VietGAP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Thành viên Hợp tác xã Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình), chủ động sản xuất rau xanh theo quy trình VietGAP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cũng từ việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, người dân Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) đã quen với việc sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong chăm bón cho cây ổi. Trong đó, HTX ổi Linh Nham chính là đơn vị luôn đi tiên phong. Hiện nay, HTX có 15ha ổi sản xuất, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ.

Chị Trần Thị Dung, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) nói: Chất lượng cuộc sống nâng lên nên người tiêu dùng không còn quan tâm nhiều đến giá cả mà tập trung vào chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Do đó, ổi của HTX Linh Nham là loại quả được người tiêu dùng chúng tôi tìm mua. Tôi đánh giá cao chất lượng sản phẩm của HTX khi quả ổi chắc, có vị ngọt đậm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Xây dựng nền nông nghiệp xanh

Sau nhiều nỗ lực, nông nghiệp xanh đã bắt đầu lan tỏa đến các hộ nông dân trong tỉnh. Đến nay, hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung của tỉnh được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tương đương (khoảng 17.800ha). Trong đó, trên 5.300ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 80ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Đáng nói, trong số 67.200ha lúa, Thái Nguyên có đến 41.700ha gieo cấy bằng các giống năng suất, chất lượng, đặc sản, sản xuất theo hướng hữu cơ. Điểm nhấn của tỉnh chính là đã tạo dựng được vùng sản xuất lúa tập trung (2.720ha) bằng các loại giống đặc sản như vùng trồng lúa nếp Thầu dầu ở Phú Bình, nếp Vải ở Phú Lương, Bao thai ở Định Hóa… Ngoài ra, tỉnh cũng phát triển được 1.220ha rau tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, VietGAP…

Người dân xã La Hiên (Võ Nhai) chăm bón na theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn.
Người dân xã La Hiên (Võ Nhai) chăm bón na theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn.

Riêng cây ăn quả, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu giống, các địa phương đã khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là quy trình sản xuất an toàn. Đến nay, Thái Nguyên đã có trên 1.030ha cây ăn quả được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể khẳng định, với nhiều nỗ lực, Thái Nguyên đã có những bước “chuyển mình” khá hiệu quả trong phát triển nông nghiệp xanh. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói: Thực tế chứng minh, cùng với làm thay đổi tư duy người dân, có chính sách hỗ trợ hiệu quả thì việc áp dụng đồng bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất đã góp phần tạo ra nền sản xuất sạch. Đây cũng chính là lời giải cho việc phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn bền vững của Thái Nguyên trong tương lai.

Cũng theo chia sẻ của ông Tá, trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp xanh phát triển, các mô hình sản xuất sạch tiếp tục được nhân rộng tới nhiều địa phương, vùng chè, vùng lúa và vùng cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, để “con đường” tiến đến sản xuất nông nghiệp sạch, xanh được thuận lợi, bên cạnh sự thay đổi về nhận thức của người dân vẫn cần tỉnh tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực, vùng sản xuất. Đồng thời, quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là tiêu thụ qua các sàn giao dịch thương mại điện tử…