Nông sản có thương hiệu vẫn khó tìm chỗ đứng trong siêu thị

10:36, 29/11/2020

“Mỗi sản phẩm giống như một đứa con của mình. Mình nghĩ là nó tốt, bán được, xuất khẩu được nhưng cái tốt đó của mình chưa chắc đã là sự lựa chọn của siêu thị, của số đông người tiêu dùng”. Đó là chia sẻ của ông Mã Đình Huy, phụ trách bán hàng tại Cửa hàng Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn trên đường Xuân Hòa, tổ 26, phường Phan Đình Phùng (TP.Thái Nguyên).

Khảo sát tại Siêu thị Minh Cầu (Phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) cho thấy nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu nổi tiếng của Thái Nguyên được trưng bày, giới thiệu rất phong phú, nhưng mức độ tiêu thụ còn khiêm tốn. Bà Nguyễn Thu Hà, phụ trách khâu nhập và xuất hàng hàng ngày cho biết: Cùng là tương nếp, nhưng cứ 100 chai bán ra thì chỉ có 20 chai tương nếp Úc Kỳ (Phú Bình). Mặc dù sản phẩm này vốn đã có thương hiệu từ lâu trên địa bàn Thái Nguyên. Điều đó cho thấy khẩu vị, thói quen tiêu dùng và cả mẫu mã sản phẩm chưa phù hợp. Các dòng sản phẩm khác thường mẫu mã đẹp, chai nhỏ hơn vừa đủ dùng.

Bà Hà cho biết thêm: Đã nhiều năm theo dõi mức độ bán sản phẩm gạo, một tháng bình quân chỉ bán được 200-300kg gạo bao thai Định Hóa, nhưng các loại khác thì bán được hàng tấn. Đây là một trong những kênh để vùng sản xuất tính toán xây dựng thị trường và tổ chức sản xuất phù hợp. Thị hiếu tiêu dùng khu vực thành phố rất ít người mua gạo bao thai, trong khi loại gạo này không để lâu được, dễ bị khô, mất vị. Còn rau, củ, quả thì hầu như các dòng sản phẩm của Thái Nguyên không thắng thế được các thương hiệu Sa Pa, Mộc Châu, Đà Lạt... Lợi thế lớn nhất và giá trị cao chính là các vùng rau này sản xuất ra rau trái vụ, còn các sản phẩm của Thái Nguyên thì mùa nào thức đấy, nên vào siêu thị không nhiều.

Ông Mã Đình Huy phụ trách bán hàng tại Cửa hàng Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn trên đường Xuân Hòa, tổ 26, phường Phan Đình Phùng (TP.Thái Nguyên) cho rằng: Làm thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng, tiêu chuẩn...đã khó, nhưng bán được còn khó hơn. Nhiều thương hiệu người sản xuất rất tâm huyết, mất nhiều công sức để tạo dựng, những tiêu thụ chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người lao động. Cùng là nấm hương, mộc nhĩ khô, những cứ mỗi tháng cửa hàng bán ra trên 1 tạ thì sản phẩm của Thái Nguyên chỉ bán được khoảng 30kg. Sản phẩm miến dong cũng tương tự, mưc độ tiêu thụ chỉ bằng 1/5 sản phẩm cùng loại của tỉnh bạn Cao Bằng, Bắc Kạn. Mỳ gạo khô Thái Nguyên cũng có một số sản phẩm chiếm được ưu thế trên thị trường, như mỳ gạo Định Hóa, Đại Từ... nhưng vẫn bán chậm hơn sản phẩm mỳ Chũ (Bắc Giang). Nhà sản xuất đã chia ra nhiều gói nhỏ, nhuộm màu bằng lá ngũ sắc, quả gấc đỏ, vừng đen... rất bắt mắt, giàu dinh dưỡng nên dù giá cao hơn mỳ gạo trắng của Định Hóa, Đại Từ song bán rất chạy. Đánh giá về sản phẩm và thương hiệu của Thái Nguyên, ông Huy nhận xét: Hai năm trở lại đây, chỉ có sản phẩm quả ổi Linh Sơn, Linh Nham (Đồng Hỷ) là bán chạy nhất, các sản phẩm cùng loại của địa phương khác đều thất thế và không có chỗ đứng trong cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, không thể bán nhiều được như cam, dưa hấu, xoài... Do đó, muốn bán được nhiều sản phẩm thì phải có thêm nhiều hình thức chế biến khác từ trái ổi Linh Nham, Linh Sơn.

Có thể nói trơng thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, sản phẩm và thương hiệu càng có thêm cơ hội để mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và giá trị hàng hóa. Song vấn đề thương hiệu và sản phẩm phải bám sát với hoạt động maketing, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng cũng như xu hướng thị trường.