Bình ổn, không để thiếu hàng Tết

11:26, 21/01/2022

Thời điểm này, thị trường Tết đã vào đợt cao điểm, lưu thông hàng hóa trở nên sôi động hơn rất nhiều. Đây cũng là lúc dễ xuất hiện hiện tượng găm hàng, thổi giá, lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chính vì thế cần phải có những điều tiết hợp lý, kịp thời của chính quyền để bình ổn, đảm bảo thị trường hàng hóa dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Thái Nguyên là một trong những thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ; là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa với các địa phương vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh có biên giới với Trung Quốc. Đây cũng là thị trường màu mỡ mà nhiều đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại muốn khai thác, nhất là trong thời điểm Tết cổ truyền sắp đến. Do đó, công tác đảm bảo thị trường ở thời điểm hiện nay được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Ngay từ đầu tháng 1-2022, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý thị trường, ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả và đặc biệt không để thị trường bất ổn hoặc khan hiếm hàng thiết yếu.

Sau khi ban hành Chỉ thị, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản đôn đốc, tăng cường hiệu lực và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết.

Theo đó, tỉnh giao ngành Tài chính, Công Thương phối hợp điều hành bình ổn giá trên địa bàn. Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các mặt hàng như: Gạo, thịt lợn, rau, củ, quả, dịch vụ vận chuyển hành khách, tham quan, lễ hội. Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định; có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có dịch bệnh cần áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa.

Riêng ngành Tài chính phải đảm bảo giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như giá cước vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe… Đặc biệt là cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, Tết, cao điểm để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.

Tỉnh giao ngành Công Thương chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân; chủ động can thiệp, xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh được giao nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời ngăn chặn đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường nhằm thu lợi bất chính.

Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp, nên tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, vừa bình ổn thị trường vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.