Xung lực mới từ thương mại điện tử

17:20, 02/01/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, TMĐT được dự đoán sẽ tiếp tục "bùng nổ" sau đại dịch COVID-19, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Tăng trưởng chưa từng có tiền lệ

Năm 2021, khi nhiều ngành kinh tế khác khó khăn, chật vật xoay sở do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, TMĐT lại có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng.

Ông Nguyễn Thế Quang - Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhìn nhận, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Dẫn báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31%, đạt 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT. Việc chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19-19, là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của TMĐT, để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng tầm vị thế. Báo cáo cũng dẫn chứng về tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến, Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 41%).

Đánh giá về tăng trưởng TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) - cho biết, dịch COVID-19 như một cú huých đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của TMĐT; tiến độ phát triển ứng dụng TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1 - 2 năm so với kế hoạch đến năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm. "Từ khi dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn TMĐT đã tăng mạnh. Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng internet, trong đó, gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng" - lãnh đạo Vecom chỉ ra.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người dân mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn; giúp TMĐT trở thành kênh kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản vốn trước đây phần lớn bán qua kênh trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sendo, tại Việt Nam, TMĐT tiếp tục là ngành dẫn đầu về tăng trưởng kép với 68% (2020 - 2021) trong tổng nền kinh tế số. Nếu 2020 là năm người tiêu dùng "làm quen" với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm nay là thời điểm chín muồi để TMĐT bùng nổ.

Hướng tới chuyển đổi số nhanh và mạnh

Các chuyên gia dự báo, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, Cục TMĐT và Kinh tế số đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một "sân chơi" mới cho các doanh nghiệp sản xuất phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức TMĐT và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - thông tin, cuối năm 2021, Cục đã triển khai Chương trình GoOnline - với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.

Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất cả nước, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần "giải cứu", chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ...

Trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tiếp tục thúc đẩy TMĐT đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng. Nếu nắm bắt kịp thời, chắc chắn lĩnh vực này sẽ tạo nên xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng.

Dự kiến, đến năm 2025, doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng qua các phương tiện điện tử (B2C) là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ.