Một số sự kiện trong ngày 28 tháng 5:

00:00, 28/05/2014

* Vào ngày 28-5-1840 một trí tuệ, tài nǎng Việt Nam xứng đáng gọi là nhà bác học của dân tộc: Phan Huy Chú - đã qua đời. Ông quê ở Hà Tĩnh. Mặc dù chỉ đỗ hai lần tú tài, thực học, thực tài của ông vẫn được khẳng định. Nǎm 1821, Minh Mệnh cho mời ông vào Huế giữ chức Biên tu Hàn lâm viện. Sau đó ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Nǎm 1828, làm Phủ thừa tỉnh Thừa Thiên, rồi thǎng Hiệp trấn Quảng Nam. Sau lại đi sứ sang Trung Quốc và lúc về bị cách chức. Nhưng sau khi đi phục vụ một số đoàn Inđônêxia về ông được cử làm chức Tư vụ Bộ công, nhưng đã ngán cảnh quan trường, ông vin cớ đau yếu xin về dạy học cho đến lúc mất. Đứng về phương diện vǎn hoá, Phan Huy Chú có những cống hiến rất lớn ông đã để lại một loạt các tác phẩm: Hoàng Việt dư trí, Hải trình chí lược, Lịch đại điển yếu thông, Dương trình ký kiến... Đặc biệt bộ Lịch triều hiến chương loại chí đã nâng ông lên hàng nhà bác học. Cho mãi đến nay giới học thuật vẫn khen ngợi đó là công trình bách khoa.

 

* Cao Xuân Huy, giáo sư chuyên về lịch sử tư tưởng triết học Phương Đông sinh ngày 28-5-1900 tại Diễn Châu, Nghệ An.


Ông xuất thân trong một gia đình nho học và làm quan nên từ bé đã hiếu học. Nǎm 1925 tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Hà Nội sau đó đi dạy học ở Sài Gòn, Huế và chuyên nghiên cứu triết học. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An. Từ 1949-1959 ông phụ trách giảng dạy triết học cổ đại Phương Đông trong các trường ở vùng kháng chiến và các trường đại học ở Hà Nội. Nǎm 1958, ông được phong giáo sư, rồi Trưởng ban Vǎn học cổ đại Việt Nam, làm giáo sư chính lớp đại học Hán Nôm ở Hà Nội. Sau đó tiếp tục dạy các lớp chuyên tu sau đại học; đã đào tạo được một thế hệ trẻ có khả nǎng nghiên cứu Cổ học nước nhà.


Ông đã để lại cho đời một số giáo trình cổ đại xuất sắc về Kinh dịch, Luận ngữ, Mạnh tử, Bách gia chư tử. Ông mất ngày 22-10-1983.

* Hơn 200 công nhân xưởng sửa chữa ôtô Avia (Hà Nội) đã bãi công dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự và Công hội nhà máy vào ngày 28-5-1929, họ đòi chủ xưởng tǎng lương, không đánh đập, không đuổi công nhân đã tham gia bãi công.


Cuộc bãi công nhận được sự ủng hộ của công nhân các nhà máy diêm, nhà máy điện, nhà máy in (ở Hà Nội), nhà máy sợi Nam Định, nhà máy than ở Mạo Khê, nhà máy Carông, nhà máy chai (ở Hải Phòng) và của nông dân Thái Bình, Nam Định. Đến ngày 10-6-1929, cuộc bãi công của công nhân xưởng Avia kết thúc thắng lợi.

* Ngày 28-5-1946, theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt được thành lập để mở rộng khối đoàn kết toàn dân, bắt tay với các đảng phái chính trị và các nhân sĩ dân chủ và thân sĩ yêu nước.


Hội Liên Việt gồm mặt trận Việt Minh, các tố chức, các đảng phái và cá nhân yêu nước chưa tham gia mặt trận Việt Minh. Đảng Xã hội Việt Nam và hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng tham gia Hội Liên Việt.

* Sau Cách mạng Tháng Tám, để bảo vệ chính quyền nhân dân - Quân đội quốc gia Việt Nam đã từng bước ổn định và củng cố. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ là Tổng chỉ huy.


Ngày 28-5-1948 tại một địa điểm thuộc khu cǎn cứ địa Việt Bắc đã diễn ra lễ thụ phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Thay mặt chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động tuyên bố trước bàn thờ Tổ quốc: "Nhân danh Chủ tịch nước VNDCCH trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều binh khiển tướng làm tròn sứ mệnh mà quốc dân giao phó". Buổi lễ giản dị mà trang nghiêm. Cũng trong dịp này một số vị lãnh đạo quân sự khác cũng được thụ phong cấp tướng như: Trung tướng Nguyễn Bình và các Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Hoàng Vǎn Thái, Chu Vǎn Tấn, Vǎn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.


Cùng quân đội anh hùng, các tướng lãnh đầu tiên ấy đã xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

* Ngày 28-5-1981, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và ngành lịch sử quân sự nước ta được thành lập.


Từ khi thành lập, Viện đã tập trung vào nhiệm vụ tổng kết chiến tranh, viết lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật quân sự. Từ nǎm 1992, Viện đã thực hiện được những công trình cấp nhà nước.


Các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, các học viện, nhà trường và hầu hết các tỉnh, thành phố đã có lịch sử địa phương và đơn vị. Toàn quân đã biên soạn được lịch sử hơn 800 trận đánh.


Viện Lịch sử quân sự còn được giao trách nhiệm làm trung tâm đào tạo sau đại học về lịch sử quân sự, chủ trì biện soạn giáo trinh thống nhất ba cấp về lịch sử quân sự cho các học viện, nhà trường trong quân đội.