Một số sự kiện trong ngày 9 tháng 10:

00:00, 09/10/2014

* Tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Luận cương Chính trị đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và Đông Dương, vạch ra con đường Cách mạng chống đế quốc và phong kiến một cách triệt để và toàn diện, đáp ứng những đòi hỏi của phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt nam. Hội nghị đã bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương nhằm đoàn kết thống nhất các lực lượng yêu nước và Cách mạng của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của đế quốc Pháp xâm lược.

 

* Nữ sĩ Lê Hằng Phương, bút danh Hằng Phương sinh ngày 9-10-1908, quê ở tỉnh Quảng Nam, qua đời năm 1983 ở Hà Nội.


Bà là con gái học giả Lê Dư và là vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan.

 

Sau cách mạng tháng Tám, bà Hằng Phương hoạt động trong Hội phụ nữ cứu Quốc và tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi làm việc ở Ban nghiên cứu Văn- Sử- Địa. Thời kỳ chống Mỹ, tuy tuổi đã cao, bà vẫn đến các nơi tuyến lửa.
Nữ sĩ Hằng Phương có các tập thơ đã xuất bản:


- Hương xuân (năm 1943, in chung với Vân Đài, Anh Thơ, Mộng Tuyết).


- Mùa gặt (năm 1961).


- Hương đất nước (năm 1974).


Thơ Hằng Phương êm dịu, ngọt ngào, tình cảm trong sáng, nhân hậu, quan tâm nhiều đến số phận người phụ nữ, lời thơ giản dị, hồn nhiên.

 

* Ngày 9-10-1921 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của "Hội Liên hiệp thuộc địa" tại Pari. Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với một số bạn chiến đấu người Angieri, Tuynidi, Marốc, Mangasơ...sáng lập. Mục đích của Hội là giải phóng các dân tộc thuộc địa. Cơ quan tuyên truyền của Hội là tờ báo LơParia (Người cùng khổ). Hội tập hợp được gần 100 hội viên là những người yêu nước.


"Sự ra đời của Hội là một sự kiện chính trị quan trọng đối với các dân tộc bị áp bức. Hội chỉ hoạt động đến 1926 nhưng đã góp phần vào việc xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa. Thông qua Hội, chủ nghĩa Mác Lênin đã được truyền bá đến các thuộc địa.

 

* Ngày 9 - 10 - 1983, tại Hà Nội đã khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất.

 


Đây là đại hội thể dục thể thao cả nước, lớn nhất, đầu tiên của học sinh nước ta.

 

* Ngày 9-10-1967, Ênextô Ghêvara đã hy sinh tại Bôlivia. Ông sinh năm 1928 ở Áchentina.


Ghêvara sớm bộc lộ khí chất táo bạo và quả cảm của một nghệ sĩ khao khát tự do, giải phóng cho dân tộc bị áp bức.


Ênextô Ghêvara đã sát cánh cùng Phiđen Cátxtrô tiến hành cuộc Cách mạng Cuba. Tài năng cộng với tính cách quả cảm của ông lẫy lừng, người dân châu Mỹ la tinh đã đặt tên cho Ghêvara là Chê (thành ngữ Áchentina có nghĩa là bạn thân).


Hoài bão của Chê thể hiện qua những câu nói nổi tiếng: "Tiến hành kháng chiến đến thắng lợi ở tất cả các nước đang còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc, sao cho mỗi nước châu Mỹ la tinh là một Việt Nam". Chê được tôn vinh là anh hùng du kích.


Sau 30 năm tìm kiếm, tháng 7-1997, hài cốt của Chê đã được đem về đất nước Cu Ba - Tổ quốc thứ hai - Quê hương Cách mạng của ông.

 

* Tháng 9-1874, đại diện 22 nước họp tại thành phố Bon (Thuỵ Sĩ) đã nhất trí lấy ngày 9-10 hàng năm làm ngày Bưu chính thế giới (gọi tắt là UPU).


Hiện nay có 189 nước tham gia UPU. Việt Nam là thành viên của liên minh Bưu chính thế giới từ năm 1951.