Một số sự kiện trong ngày 16 tháng 12:

00:00, 16/12/2014

 * Ngày 16-12-1427, tại phía nam thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), trước phái đoàn đại biểu nghĩa quân do Lê Lợi cầm đầu, Tổng binh Vương Thông phải tuyên thệ xin rút quân Minh về nước. Trong bài vǎn tế thề, Vương Thông phải cam kết " Đem quân về nước, không thể kéo dài nǎm tháng để đợi viện binh". Nếu "làm trái lời thề thì bản thân Vương Thông, cả nhà, thân thích bị Trời Đất làm cho chết hết, còn quan quân không một người nào về đến nhà". Đây là thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (từ 1418 đến 1427).

* Nhà vǎn Bùi Huy Phồn sinh ngày 16-12-1912 quê ở Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, mất nǎm 1990.

Các tác phẩm chính của ông gồm có: Lá huyết thư (Tiểu thuyết 1937), Một chuỗi cười (tiểu thuyết nǎm 1945), Tàn xuân đế quốc (tập thơ trào phúng nǎm 1959), Phất (tiểu thuyết nǎm 1961), Trái cam (tập trruyện nǎm 1972). Tiểu thuyết ''Phất" là một thành công của Bùi Huy Phồn. Bằng ngòi bút trào phúng, ông đã dựng lại bức tranh khá sinh động về giai cấp tư sản Việt Nam thời kỳ Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng. Ông trình bày khá sắc nét nguồn gốc xuất thân, quá trình làm giàu, lối sống vô luân lý, "trọng tiền khinh nghĩa" của chúng, sự gắn bó giữa chúng với thực dân, đế quốc.

 

* Nhà thơ, nhà báo Thôi Hữu, tên thật là Nguyễn Đức Giới quê ở huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, sinh nǎm 1919 hy sinh ngày 16-12-1950 tại Việt Bắc.

Nǎm 1940 ông làm thợ điện, tích cực hoạt động Đoàn thanh niên Dân chủ. Nǎm 1943 ông vào Đảng cộng sản Đông Dương, nǎm sau bị bắt, rồi vượt ngục tham gia Hội vǎn hoá Cứu quốc.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông công tác ở các báo Sự thật, Thủ đô, Vệ quốc quân.

Thôi Hữu có nhiều bài thơ hay như: Lên Cấm Sơn, Xe trâu, Lời cô lái đò, Sau luỹ tre xanh và các phóng sự: Đi vào hậu địch, Tù binh đường số 4.

 

* Ngày 16-12-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 129 đặt các "Bảng gia đình vẻ vang" và "Bảng Vàng danh dự" để tặng các gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) và có công lao trong các cuộc kháng chiến.

 

* Ngày 16-12-1994, tại kỳ họp thứ 18 tổ chức ở Phukét (Thái Lan), Hội đồng di sản thế giới thuộc tổ chức UNESCO đã chính thức quyết định công nhân Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là di sản thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long là một vùng lõm của biển Bắc Bộ, nằm giữa Hòn Gia và Cẩm Phả, dài chừng 40km, rộng 1.500 km2, với hơn 1.000 hòn đảo lớn nhỏ. Do sự tạo lập đặc biệt của thiên nhiên mà Hạ Long vừa duyên dáng vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ. Một cảnh vật thần tiên khó nơi nào sánh được.

 

Thế giới

 

* Lútvích Van Béttôven (Beethoven Ludwig van) nhạc sĩ Đức vĩ đại, đại biểu lỗi lạc của trường phái cổ điển Viên, người đạt thành tựu xuất sắc trong hai thể loại lớn của âm nhạc là giao hưởng và xô nát. Ông là một trong số những nhạc sĩ cho tới nay có nhiều tác phẩm được sử dụng trong các chương trình biểu diễn âm nhạc trên thế giới.

Sinh ngày 16-12-1770, ông tập đàn từ nǎm 3 tuổi. Nǎm 11 tuổi ông đã biểu diễn như một nghệ sĩ đàn dương cầm điêu luyện. Nǎm 13 tuổi đã có tác phẩm đầu tay. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là bản giao hưởng "Anh hùng ca", bản xônát "Bình minh". "Apasiônata"... Ông bị điếc từ nǎm 1798 và mất ngày 26-3-1827.