* Ngày 9-12-1956, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh về chế độ báo chí, nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân và ngăn cấm những kẻ lợi dụng báo chí hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà.
* Bà Lê Thị Xuyến sinh ngày 9-12-1909 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, qua đời năm 1996 tại Hà Nội.
Tham gia cách mạng từ năm 1936, bà vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947.
Là cán bộ nữ xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và dân tộc, bà Lê Thị Xuyến đã giữ các chức vụ: Hội trưởng Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1946 đến 1956), Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1956 đến 1978), đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá V, Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Liên Việt toàn quốc, Phó chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam.
Bà Lê Thị Xuyến đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
* Ngày 9-12-1920, tại Mátxcơva đã diễn ra Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ VIII. Tại đại hội, Lênin đã tình bày kế hoạch điện khí hoá toàn quốc, nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nước Nga xã hội chủ nghĩa và củng cố chính quyền Xô Viết. Kế hoạch điện khí hoá toàn quốc, về lý luận và thực tiễn, đều có giá trị cực kỳ quan trọng như chính câu nói bất hủ của Lênin: "Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hoá toàn quốc".
* Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1905 ở Nghệ An, qua đời ngày 9-12-1993 tại Hà Nội.
Ông là một học giả uyên thâm, có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực: sử học, văn học, triết học, ngôn ngữ học, dân tộc học, giáo dục học, cùng vốn hiểu biết phong phú về văn hoá phương Đông và phương Tây.
Những công trình nghiên cứu của Giáo sư trong các lĩnh vực khoa học và tư duy Mác xít sâu sắc. Trong những công trình do chính ông viết hoặc trực tiếp chỉ đạo biên soạn nổi bật tình cảm dân tộc đậm đà, qua sự phân tích truyền thống tốt đẹp, những nhân vật anh hùng, những tài năng văn hoá lớn của đất nước, những giá trị nhân văn của dân tộc.
Thế giới
* Giôn Mintơ (Jonh Milton) là nhà thơ Anh thế kỷ 17, sinh ngày 9-12-1608.
Sự nghiệp sáng tác của ông rất phong phú với các tác phẩm như: Niềmvui; Trầm tư; Nhạc kịch thơ Comus.
Từ năm 1652, ông bị mù nhưng vẫn có tác phẩm tuyệt vời: Thiên đường đã mất; Thiên đường lấy lại. Ông được coi là người chủ xướng cải tạo xã hội và là người sáng tạo ra những áng văn ưu tú và hùng vĩ nhất trong mọi nền văn học thế giới. Ông mất ngày 8-11-1674 thọ 66 tuổi.