Hành vi chống người thi hành công vụ được xem là một tình tiết tăng nặng với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
Gần đây, các địa phương liên tục xuất hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Đây là một thực trạng đáng báo động trong xã hội, thể hiện hành vi coi thường kỷ cương phép nước của một số người.
Mới đây, người dân Hà Nội lại một lần nữa chứng kiến và bất bình trước hành động của một thanh niên có hành vi chống đối khi bị lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ cá nhân. Không chỉ bất hợp tác, người thanh niên này đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm bạn để gây áp lực, thậm chí tấn công cả nhà báo đang ghi lại sự việc bằng hành động đạp thẳng vào ống kính máy quay.
Trước đó, người dân TP HCM và cả nước đã từng bất bình với hành vi của Phạm Thị Mỹ Linh, khi cô gái 18 tuổi này tát vào mặt cảnh sát giao thông vì bị dừng xe vi phạm. Cái giá mà Phạm Thị Mỹ Linh phải trả cho hành động dại dột này là 9 tháng tù giam.
Một thực tế là số vụ người dân không tự giác chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động ngày càng nhiều. Một số người bất chấp luật pháp, cố ý trốn chạy hoặc chống trả, thậm chí tấn công quyết liệt lực lượng chức năng. Đây là những hành vi mang tính côn đồ, coi thường luật pháp và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự. Dư luận xã hội không chấp nhận hành vi này. Khi những đoạn clip về chống người thi hành công vụ được đăng tải nhiều trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã bất bình trước thái độ ngổ ngáo, côn đồ của những đối tượng chống người thi hành công vụ.
Anh Dương Văn Lợi, một người dân phường Hàng Bài, thành phố Hà Nội cho rằng: “Cha ông chúng ta đổ máu cũng chỉ vì mong muốn có cuộc sống bình yên, vậy mà bây giờ nhiều người cứ vin quyền tự do cá nhân để tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, không tôn trọng luật pháp. Tôi cho rằng đã tham gia giao thông thì cần có ý thức. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm thì mới có tính răn đe hiệu quả, để những trường hợp chống người thi hành công vụ giảm hơn”.
Trước thực tế nhiều vụ chống đối người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng kiên quyết lập lại trật tự an ninh trên đường phố. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công an Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt gồm 3 ba lực lượng là cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự, để phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông thủ đô. Sau hơn 1 tháng triển khai, tổ công tác đặc biệt đã kiểm tra hơn 2.500 lượt phương tiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, chuyển 10 vụ sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã lập hồ sơ xử lý hơn 400 vụ, xử lý hình sự 10 vụ. Có thể nói sự phối hợp của 3 lực lượng đã mang lại chuyển biến tích cực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường xử lý, đặc biệt là những hành vi chống người thi hành công vụ…”.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự thì nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ thời gian gần đây là do một bộ phận công dân chưa hiểu rõ về các quy định của pháp luật và ý thức chấp hành luật pháp chưa cao. Ngoài ra, cách xử lý tình huống của một số cán bộ khi thi hành công vụ cũng chưa chuẩn mực, gây ức chế dẫn đến cách phản ứng tiêu cực từ phía người vi phạm. Nhưng dù bất kỳ lý do gì thì hành vi chống người thi hành công vụ cũng là sai phạm. Hành vi này được xem là một tình tiết tăng nặng với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích: “Tình tiết tăng nặng quy định ở điều 48 của Bộ luật Hình sự. Trong đó có những trường hợp chống người thi hành công vụ mà hành vi vượt quá khung tội danh chống người thi hành công vụ đã quy định thì có thể chuyển tội danh sang cố ý gây thương tích. Thậm chí có những trường hợp gây tổn thương hoặc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho người thi hành công vụ thì có thể bị khởi tố về tội giết người. Như vậy, những người có tình tiết tăng nặng sẽ bị áp dụng một chế tài nghiêm khắc hơn so với những người bình thường”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế và đi tới chấm dứt tình trạng chống người thi hành công vụ, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Mặt khác có sự hỗ trợ, trang bị đầy đủ cho lực lượng tuần tra, kiểm soát và lực lượng phản ứng nhanh để trấn áp kịp thời hành vi vi phạm để giữ vững kỷ cương phép nước, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật./.