Tình trạng cờ bạc trá hình diễn ra tại các Hội chợ đã tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây nó đang bùng phát và thực sự trở thành một “vấn nạn” khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Tình trạng cờ bạc trá hình diễn ra tại các Hội chợ đã tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây nó đang bùng phát và thực sự trở thành một “vấn nạn” khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa…
Thời gian qua, nhiều Hội chợ Thương mại đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để các doanh nghiệp, nhà sản xuất quảng bá những sản phẩm hàng hóa chất lượng đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng cờ bạc trá hình ngang nhiên hoạt động đang dần làm xấu đi hình ảnh của các Hội chợ. Vừa qua, Báo Thái Nguyên cũng đã có bài phản ánh về tình trạng này tại Hội chợ Thương mại huyện Phú Bình. Ngay sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương.
Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Thanh Giao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, Trưởng ban tổ chức Hội chợ cho biết: “Tình trạng cờ bạc tại Hội chợ thương mại của huyện như Báo Thái Nguyên phản ánh là có thật. Để xảy ra tình trạng đáng buồn này, trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của huyện. Đây là bài học sâu sắc để huyện rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức và quản lý các Hội chợ cũng như các sự kiện lớn diễn ra tại địa phương tới đây… Đối với đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại quốc tế (CPDV & TMQT) Thăng Long thì đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty này tổ chức Hội chợ tại địa phương, tuy nhiên chưa năm nào thành công vì còn để xảy ra tình trạng cờ bạc làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, quan điểm của huyện là từ năm sau sẽ không đồng ý cho Công ty này tổ chức bất kỳ Hội chợ nào tại địa phương. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị Sở Công Thương cần sàng lọc, lựa chọn và cấp phép cho các đơn vị thực sự đủ năng lực và uy tín đứng ra tổ chức các Hội chợ… Ông Giao cũng cho biết thêm: Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của một số người dân bị lừa đảo tại Hội chợ, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ để trấn an dư luận cũng như trả lại sự công bằng cho người dân.
Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số “nạn nhân” của những trò cờ bạc trá hình diễn ra tại Hội chợ, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền lừa đảo mà các đối tượng lấy được của người dân lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ bị lừa tiền mà nhiều người đã phải cầm cố cả tài sản như xe máy, dây chuyền, giấy tờ tùy thân… Điều đáng nói là những người bị dụ dỗ, lôi kéo vào những trò cờ bạc này chủ yếu là những người lao động thủ công và nông dân nghèo.
Sau Hội chợ ở Phú Bình, huyện Phổ Yên là địa phương tiếp theo tổ chức hoạt động này (từ ngày 30-7 đến 7-8). Theo phản ánh của nhiều người dân tham gia Hội chợ, tình trạng cờ bạc trá hình vẫn tiếp tục tái diễn. Để tránh sự “nhòm ngó” của cơ quan chức năng, các đối tượng không tổ chức đánh bạc vào ban ngày nữa mà chuyển sang hoạt động vào buổi tối. Riêng buổi tối ngày 1-8, có đến 5 bàn cờ bạc trá hình ngang nhiên hoạt động tại Hội chợ này.
Tối 2/8, để “mục sở thị” chúng tôi đã có mặt tại Hội chợ kích cầu Thương mại huyện Phổ Yên. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 15-20 đồng chí công an mặc sắc phục đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Tuy nhiên, không quá khó khăn để chúng tôi tìm được những bàn cờ bạc trá hình đang diễn ra bên trong Hội chợ: “Cờ thế ăn tiền”, “Chiếc nón kỳ diệu” rồi cả “Ném vòng ăn tiền”… đếm sơ sơ cũng có đến 5-6 bàn cờ bạc trá hình kiểu như thế này. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới một bàn cờ bạc dưới hình thức “chiếc nón kỳ diệu” nằm sâu bên trong một góc khuất của Hội chợ. Chúng tôi chú ý tới bàn cờ bạc này không chỉ bởi sự đông đúc, náo nhiệt hay sự “tinh vi” trong phương thức lừa đảo của bọn chúng mà còn vì chúng tôi nhận ra đây chính là những đối tượng đã từng tổ chức đánh bạc tại Hội chợ Thương mại Phú Bình cách đây không lâu. Vẫn những chiêu thức lừa đảo cũ nhưng tại Hội chợ lần này các đối tượng đã cảnh giác và hoạt động “tinh vi” hơn rất nhiều. Tại 4 phía xung quanh, chúng đều bố trí lực lượng “cảnh giới”, chỉ cần xuất hiện bóng dáng công an là lập tức ra hiệu cho đồng bọn phía trong “giải tán”. Khi lực lượng công an đi khỏi, chúng lại mang “đồ nghề” ra hoạt động bình thường. Không chỉ có vậy, các đối tượng còn bố trí cả “cò mồi” giả làm người chơi vừa để lôi kéo, dụ dỗ người tham gia vừa theo dõi, phát hiện những kẻ nào có ý định cản trở việc làm ăn của bọn chúng.
Được biết từ ngày 29-8 đến ngày 4-9, Hội chợ Thương mại tương tự sẽ diễn ra tại T.X Sông Công, tiếp đó là huyện Đại Từ và các địa phương khác trong tỉnh. Dư luận đang đặt câu hỏi nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì sắp tới sẽ còn bao nhiêu người trở thành “nạn nhân” của những trò cờ bạc trá hình này? Đây cũng là trăn trở của ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại (Sở Công Thương) khi trao đổi nhanh với chúng tôi về vấn đề này.