Với tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc, Bộ luật hình sự 1999 đã dành hẳn một chương riêng quy định về việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, trước thực trạng người chưa thành niên phạm tội gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tăng mức hình phạt để trừng trị tội phạm, nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì nếu trẻ dưới 14 tuổi phạm vào một tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải đi học tập cải tạo tại các trường giáo dưỡng. Trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, với mức án cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, nhưng mức án cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù.
Chính vì được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng như trên mà nhiều sát thủ máu lạnh đặc biệt dã man, tàn bạo như Lê Ngọc Chung (15 tuổi, quê Thanh Oai, Hà Nội) dù sát hại 03 người nhưng khi phạm tội mới 15 tuổi nên chỉ bị tuyên án 12 năm tù; hoặc sát thủ Lê Văn Luyện sát hại 3 người nhưng vì khi phạm tội dưới 18 tuổi nên chỉ phải lãnh mức án “kịch khung” là 18 năm tù.
Phía sau các bản án đã tuyên, dư luận cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo lad sát thủ máu lạnh, thực hiện hành vi tàn ác, dã man giết người hàng loạt như trên là chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội; chưa đủ sức trừng trị tội phạm cũng như giáo dục, phòng ngừa chung. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, ngày càng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến băn khoăn nên chăng phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tăng mức hình phạt để trừng trị tội phạm và nâng cao tác dụng răn đe phòng ngừa? TS Khuất Văn Nga (nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC) cho rằng, cần thiết phải cân nhắc, xem xét để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sắp tới theo hướng nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội. Hoặc xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để nâng cao tác dụng trừng phạt, răn đe. Chẳng hạn, những trường hợp sát thủ giết người hàng loạt, phạm liên tiếp nhiều tội thì cần phải “đặc cách” áp dụng hình phạt nghiêm minh hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại đa số các quan điểm cho rằng, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, ngoài trừng trị tội phạm thì mục đích chủ yếu của chính sách hình sự này là cảm hóa giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bởi vậy, Thẩm phán Vũ Xuân Long (TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân nói chung và trẻ em nói riêng.
Đồng quan điểm trên, Thượng tá Vũ Quốc Thắng (Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa trong thời gian gần đây, phần lớn là do cách giáo dục của gia đình và nhà trường chưa đến nơi đến chốn. Các gia đình, đoàn thể, cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách, pháp luật cho con em mình. Hiểu biết pháp luật để chấp hành đúng, đó mới là biện pháp hữu hiệu nhất để trẻ tự bảo vệ mình, điều chỉnh hành vi của mình đi đúng quỹ đạo.